Nhìn vào mắt của các loài động vật khác nhau, bạn sẽ thấy một số đồng tử (con ngươi) có hình dạng kỳ lạ. Tại sao lại thế? Hóa ra hình dạng đồng tử đại diện cho tập tính của động vật trong hệ sinh thái của nó.
Đồng tử hay con ngươi là một lỗ nằm ở trung tâm của mống mắt cho phép ánh sáng đi qua và đi đến võng mạc, kích hoạt các tế bào cảm quang và bắt đầu quá trình tái tại hình ảnh.
Nó nhìn có màu đen vì ánh sáng đi qua bị hấp thụ trực tiếp bởi các mô bên trong mắt hoặc hấp thụ sau khi bị phản xạ khuếch tán bên trong mắt và không thoát ra được qua đồng tử hẹp. Kích thước của chúng thay đổi theo phản ứng với độ sáng, một số loại thuốc và trạng thái cảm xúc tinh thần.
Trạng thái cơ bản của đồng tử cũng rất khác nhau giữa các loài động vật. Ví dụ như mèo nhà, sở hữu đồng tử dài theo chiều dọc, mèo nhà là những thợ săn cừ khôi khi đêm xuống. Trong bóng tối, đồng tử của chúng mở rộng đáng kể, tận dụng tối đa ánh sáng sẵn có. Khi trời sáng, chúng co lại thành khe dọc.
Trên thực tế, đồng tử mèo rất linh hoạt, diện tích tối đa của chúng lớn gấp 135 lần diện tích tối thiểu, trong khi đồng tử của chúng ta chỉ có thể co lại và giãn ra gấp 15 lần. Khi đồng tử khe dọc tiếp nhận ánh sáng sẽ tạo ra các vùng nhìn rõ theo chiều dọc. Não của mèo sẽ xử lý hình ảnh từ mỗi mắt và kết hợp 2 hình ảnh với nhau để tạo ra một hình ảnh hoàn chỉnh giúp chúng xác định chính xác con mồi.
Nhiều loài thú săn mồi khác cũng có đồng tử dọc. Điều này có thể là do đồng tử dạng dọc đặc biệt hữu ích trong việc nhận biết con mồi ở khoảng cách gần mà những loài động vật săn mồi nhắm đến.
Thế giới sẽ trông rất khác qua đôi mắt có đồng tử kéo dài theo chiều ngang của nhiều loài động vật ăn cỏ như dê, cừu, ngựa,... Thay vì nằm ở phía trước như loài mèo, mắt của loài dê nằm ở 2 bên đầu, giúp dê có tầm nhìn gần 360 độ và tạo ra các vùng nhìn rõ theo chiều ngang.
Điều này giúp dê phát hiện các bất thường như những kẻ săn mồi đang rình rập, ngoài ra còn cho chúng tầm nhìn rộng để xác định các chướng ngại vật khi chạy trốn. Trên thực tế, dê luôn giữ cho đồng tử ngang tầm với đường chân trời bằng cách xoay nhãn cầu khi di chuyển đầu lên và xuống.
Tại sao con người lại có đồng tử tròn? Đồng tử kéo dài dọc hoặc ngang giúp động vật có thể tập trung nhìn rõ nét theo chiều nhất định. Các nhà khoa học cho rằng, thay vì chỉ tập trung nhìn rõ ở một điểm nhất định và xung quanh bị mờ đi thì đồng tử tròn giúp chúng ta thấy một bức tranh lớn hơn với độ chi tiết tương đối, cho phép quan sát tổng quát hơn.
Điều này đặc biệt hữu ích đối với việc tìm kiếm thức ăn trong môi trường có nhiều cảnh quan phức tạp như hái quả trên cây, săn bắt và nhận dạng khuôn mặt khi sống tập thể. Đồng tử tròn cũng xuất hiện ở nhiều loài động vật như chó, sói hay gấu,…
Đồng tử của tắc kè co lại thành khe dọc với nhiều lỗ nhỏ trong điều kiện ánh sáng mạnh. Mỗi lỗ nhỏ phản chiếu một hình ảnh sắc nét, riêng biệt lên võng mạc của tắc kè. Các nhà khoa học cho rằng việc so sánh các hình ảnh này có thể giúp tắc kè phán đoán được khoảng cách mà không cần phải di chuyển.
Bọ ngựa và các loài côn trùng và động vật giáp xác khác có đồng tử giả. Chấm đen mà bạn nhìn thấy trên mắt chúng không phải là đồng tử mà chỉ là ảo ảnh quang học. Bọ ngựa có mắt kép bao gồm hàng nghìn đơn vị cảm nhận ánh sáng. Khi chúng hướng về phía bạn, một số tế bào trong đó chuyển thành màu đen vì chúng đang hấp thụ hầu hết các bước sóng của ánh sáng tới nhưng thực chất chúng không có đồng tử.
Thông thường tùy vào tập tính loài ta sẽ thấy chúng sở hữu chung một hình dạng đồng tử, tuy nhiên vẫn có những trường hợp ngoại lệ. Ví dụ: mèo Pallas và cầy Mangut đều là những kẻ săn mồi phục kích nhưng mèo Pallas lại có đồng tử tròn, còn cầy Mangut thì có đồng tử ngang.
Phải thừa nhận rằng, chúng ta chỉ mới khám phá được một vài hình dạng đồng tử. Một số hình dạng đồng tử khác như đồng tử hình lưỡi liềm hoặc hình trái tim. Và đặc biệt nhất trong số đó là ở mực nang, chúng có hình tròn trong bóng tối, nhưng khi ra ánh sáng thì lại chuyển sang hình chữ W. Sao lại thế nhỉ? Thế giới này vẫn còn nhiều điều mà chúng ta cần phải nghiên cứu để tìm ra lời giải.