Tại sao hai người lại có kí ức khác nhau về một sự kiện cùng chứng kiến?

  •  
  • 2.177

Đã bao giờ những kí ức của bạn và bạn bè mình về một sự kiện lại khác nhau mặc dù cả hai người đều đã trải qua sự kiện ấy tại cùng một thời điểm trong quá khứ chưa? Những lí giải dưới đây sẽ là câu trả lời chi tiết cho hiện tượng kì lạ trên.

Chúng ta đều đã biết rằng trí nhớ của con người không hoàn hảo và hầu hết những kí ức khác nhau đều không quá quan trọng. Nhưng quan trọng hay không thì đôi khi nó cũng sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng. Hãy tưởng tượng bạn của bạn và bạn đều đã cùng chứng kiến một hành vi phạm tội. Hai người, hai lời kể khác nhau, liệu đâu mới là thông tin đúng và điều gì đã dẫn tới những sai lệch về thông tin giữa trí nhớ của hai người như vậy?

Nghiên cứu về trí nhớ, người ta đã đúc kết được ba mặt quan trọng của quá trình này: mã hoá, lưu trữ và hồi tưởng. Trong đó:

  • Quá trình mã hoá chính là cách mà chúng ta "ghi" thông tin vào não bộ.
  • Lưu trữ là để chỉ cách thức con người kéo dài sự tồn tại của thông tin ấy trong não
  • Hồi tưởng chính là cách chúng ta lấy thông tin từ trong bộ nhớ của não.

Bất kì điểm sai lệch nào trong cả hoặc một phần của quá trình trên đều chính là lí do để lí giải cho hiện tượng sai lệch về trí nhớ giữa hai người.

Mỗi người sẽ có một cách thức mã hoá thông tin khác nhau

Giai đoạn mã hoá bắt đầu bằng nhận thức. Nhận thức chính là quá trình sắp xếp, tổng hợp và diễn dịch những thông tin thu được từ môi trường xung quanh thông qua những "cảm biến" của con người.

Thông tin thu được thông qua những cảm biến này rất quan trọng, nó có thể là thông tin về độ sáng hay về độ ồn của một âm thanh nào đó. Tuy nhiên, nhận thức không phải là quá trình hoạt động chỉ bằng những thông tin ấy. Mà bên cạnh đó, nó cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những gì chúng ta đã trải nghiệm trong quá khứ và những kì vọng về những trải nghiệm trong tương lai của chúng ta. Đây chính là quá trình phân tách thông tin, nó đóng vai trò quan trọng quyết định sự thành công trong việc mã hoá kí ức.

Trí nhớ của con người không hoàn hảo và hầu hết những kí ức khác nhau đều không quá quan trọng.
Trí nhớ của con người không hoàn hảo và hầu hết những kí ức khác nhau đều không quá quan trọng.

Một trong những nhân tố quan trọng của quá trình phân tách này chính là sự chú ý. Đây chính là khả năng tập trung có chọn lọc vào một vài phần của thế giới quanh ta và loại bỏ những phần còn lại. Dù rằng não bộ chúng ta có thể trực tiếp thu nhận thông tin về những vật thể có thể nhìn thấy được mà không cần hoặc cần rất ít sự chú ý, nhưng sự chú ý còn có thể mang lại rất nhiều lợi ích cho nhận thức và ghi nhớ.

Bởi vậy, sự khác biệt về hướng chú ý của mỗi người sẽ ảnh hưởng tởi những gì mà họ ghi nhớ được.

Ví dụ, việc bạn yêu thích một câu lạc bộ thể thao nào đó sẽ tạo ra những "định kiến" cho sự chú ý và trí nhớ của bạn. Một cuộc nghiên cứu hướng tới đối tượng là những đội bóng bầu dục Mỹ đã chỉ ra rằng fan hâm hộ thể thao thường có xu hướng chỉ nhớ về những pha bóng thô bạo của đội đối thủ hơn là của đội nhà.

Không chỉ vậy, tuổi tác cũng tạo ra sự khác biệt về trí nhớ bởi, khả năng mã hoá bối cảnh của trí nhớ sẽ giảm dần khi tuổi tác tăng lên.

Bối cảnh là một trong những thành phần quan trọng của trí nhớ. Đã có nhiều cuộc nghiên cứu chứng minh được rằng nếu chúng ta có mặt trong cả sự kiện và bối cảnh diễn ra nó, chúng ta sẽ có thể ghi nhớ nó dễ dàng hơn trường hợp khi ta bỏ quên bối cảnh của nó.

Ví dụ, chúng ta sẽ dễ dàng nhớ ra được vị trí của chiếc chìa khoá xe nếu chúng ta tập trung cả vào chiếc chìa khoá và cách mà chúng ta đã đặt nó vào trong phòng hơn là việc chúng ta chỉ mãi ngồi nghĩ về chiếc khoá ấy.

Cách thức lưu trữ kí ức của mỗi người cũng khác nhau

Những kí ức sau khi được mã hoá sẽ được lưu vào một bộ nhớ tạm thời, bộ nhớ này được gọi là trí nhớ ngắn hạn. Phần trí nhớ này sẽ nhanh chóng phai tàn và nó chỉ có thể ghi lại từ ba tới bốn mẩu thông tin cùng một lúc.

Còn khi gặp số lượng mẩu tin lớn, chúng ta cũng có thể nhóm chúng lại thành những mẩu tin lớn hơn để chúng có thể "nhét" vừa vào phần trí nhớ này. Ví dụ, bạn hãy thử ghi nhớ lại những chữ cái độc lập sau: C, I, A, A, B, C, F, B, I. Thay vì ghi nhớ từng chữ cái này, chúng có thể được ghép cặp lại thành những mẩu thông tin có thể dễ dàng được ghi lại như: CIA, ABC, FBI.

Thông tin được lưu trữ trong phần trí nhớ ngắn hạn sẽ ở trong trạng thái truy cập cao, chính bởi vậy chúng ta có thể liên kết chúng với nhau thông qua những đặc tính chung. Ngoài ra để ghi thông tin từ bộ nhớ này vào trí nhớ dài hạn, chúng ta sẽ sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau ví dụ như lặp đi lặp lại thông tin cần nhớ bằng lời hoặc trong đầu.

Tiếp đến là trí nhớ dài hạn, phần trí nhớ này của não bộ vô cùng rộng lớn. Theo một nghiên cứu thực hiện từ thập niên 70 của thế kỉ trước, nhờ nó mà chúng ta có thể ghi nhớ ít nhất là 10.000 bức tranh hoặc ảnh.

Tuy vậy, cách thức mỗi chúng ta sử dụng để khắc ghi thông tin vào trí nhớ dài hạn sẽ tạo ra những khác biệt về trí nhớ. Đã có rất nhiều cuộc nghiên cứu được thực hiện để tìm ra cách thức nâng cao khả năng khắc ghi và củng cố thông tin. Trong đó, ngủ đủ giấc chính là một ví dụ phổ biến được nhiều nhà nghiên cứu nhắc tới.

Ngoài ra, theo một cuộc nghiên cứu khác thì trí nhớ dài hạn cũng có thể được nâng cao bằng cách hấp thụ caffeine ngay sau khi chúng ta học tập. Trong cuộc khảo sát này liều lượng caffeine tiêu thụ được kiểm soát cẩn thận, tuy vậy, nó cũng sẽ là một bằng chứng củng cố thêm cho niềm tin về những lợi ích của việc tiêu thụ một lượng đủ cà phê.

Chúng ta cũng có cách thức hồi tưởng khác nhau

Hồi tưởng về một chuỗi các sự kiện là một quá trình phức tạp bởi đó là lúc mà não bộ sẽ phải kết hợp các vật thể, địa điểm và con người để tạo nên một sự kiện có ý nghĩa. Để minh hoạ cho sự phức tạp đó, chúng ta có thể sử dụng hiện tượng tip of the tongue. Đây là hiện tượng mà chúng ta cảm giác như mình đã ghi nhớ về một điều gì đó nhưng lại không thể diễn tả nó ra bên ngoài.

Nhờ vào kĩ thuật quét não, các nhà khoa học đã xác định được nhiều thành phần não bộ có vai trò quan trọng đối với quá trình hồi tưởng của chúng ta, song bức tranh tổng thể về cách thức hoạt động của quá trình này vẫn còn là một bức màn bí ẩn đối với khoa học.

Tuy nhiên người ta cũng biết được rằng có nhiều yếu tố sẽ tạo ra những điểm khác biệt về trí nhớ giữa hai người khác nhau. Một trong những yếu tố ảnh hưởng tới khả năng hồi tưởng lại kí ức chính là sức khoẻ của chúng ta.

Ví dụ, quá trình hồi tưởng sẽ bị suy yếu nếu chúng ta đang có những cơn đau đầu hoặc đang bị stress.

Hồi tưởng còn bị ảnh hưởng bởi môi trường bên ngoài, thậm chí là từ ngữ trong câu hỏi để gợi lại kí ức cũng có thể thay đổi cách thức chúng ta nhớ về một sự kiện trong quá khứ. Trong một cuộc nghiên cứu, những người tham gia được xem những đoạn phim về các vụ tai nạn ô tô và được hỏi để ước lượng vận tốc của những chiếc xe này. Kết quả là nếu trong câu hỏi xuất hiện những từ như "nghiền nát" hoặc "đập nát", người tham gia sẽ có xu hướng dự đoán vận tốc của những chiếc xe này cao hơn so với khi câu hỏi có chứa từ "va chạm" hay "húc vào".

Quá trình phức tạp này cũng bị ảnh hưởng bởi sự hiện diện của những người khác. Khi một nhóm người làm việc cùng nhau, họ sẽ gặp phải một hiện tượng gọi là sự "ức chế hợp tác", nếu so sánh với lúc mỗi người được làm việc độc lập thì hiện tượng này làm suy giảm khả năng của trí nhớ tổng thể.

Những hiện tượng tương tự với "ức chế hợp tác" chính là bằng chứng lí giải tại sao lại có những sai lệch về trí nhớ giữa mọi người, đồng thời nó cũng chứng minh được rằng lời khai của các nhân chứng có mặt tại hiện trường không hoàn toàn đúng so với thực tế.

May mắn là nhờ vào sự nở rộ của điện thoại thông minh, những ứng dụng sáng tạo đang dần xuất hiện để giúp chúng ta bảo tồn và bảo vệ trí nhớ của mình. Công nghệ mới và những hiểu biết vốn có của chúng ta về quá trình khi nhớ sẽ giúp xác định được đâu là người có trí nhớ chính xác nhất khi mâu thuẫn về trí nhớ nảy sinh.

Cập nhật: 11/01/2019 Theo vnreview
  • 2.177