Những cung đường đồi núi quanh co, uốn lượn và có nhiều khu vực hạn chế tầm nhìn. Câu hỏi đặt ra là tại sao đường đồi núi thường cong ven theo sườn thay vì là một đường thẳng lên đỉnh, sao không làm đường thẳng tắp lên đỉnh núi?
Ngày xưa, khi con người muốn xây một con đường lên đỉnh một ngọn núi hay một ngọn đồi, một nhóm những người thăm dò sẽ dẫn một con lừa hoặc một con la đi lên sườn dốc của nơi đó.
Những con đường lên núi không bao giờ thẳng tắp.
Con lừa hay con la sẽ không bao giờ đi lên đỉnh theo con đường thẳng ngắn nhất. Thay vào đó, một cách bản năng, nó sẽ chọn một lối đi với độ dốc vừa phải, tương tự với độ dốc tối đa được chúng ta coi là an toàn cho một con đường dốc (khoảng từ 8 tới 10 độ).
Các nhà thăm dò sau đó sẽ dùng búa gõ xuống đất để đánh dấu nơi mà con vật vừa đi qua, đồng thời đo đạc khoảng cách của những nơi vừa được đánh dấu, vẽ chúng lên tấm bản đồ và bắt đầu phác họa con đường được lựa chọn cho việc xây dựng sau này.
Khi người thăm dò cảm thấy con vật đã đi quá xa so với điểm đến mục tiêu ban đầu, hoặc khi gặp phải những chướng ngại vật không thể vượt qua, họ sẽ đưa nó quay ngược trở lại. Con vật lúc này sẽ chọn lối đi xuống với đúng độ dốc mà nó vừa đi lên, nhưng là theo hướng ngược lại. Điểm mà con lừa hay con la thay đổi hướng đi được gọi là khúc cua tay áo.
Một chiếc xe với bộ máy khỏe có thể dễ dàng leo lên một con đường rất dốc, nhưng một chiếc xe tải chở hàng tấn hàng hay một chiếc xe bus đang chứa đầy hành khách thì không thể. Hơn nữa, con đường với độ dốc lớn sẽ làm việc đi xuống trở nên vô cùng nguy hiểm.
8 độ là độ dốc quy định của hầu hết những con đường quan trọng.
Việc chuẩn bị tốt cho các chuyến đi sẽ khiến bạn cảm giác an tâm hơn và nó cũng giúp bạn giảm thiểu những rủi ro không mong muốn xảy ra; cần đảm bảo và kiểm tra một số thiết bị sau: Đảm bảo dầu phanh và dầu hệ dẫn động đầy đủ, lần thay gần nhất trong thời gian khuyến cáo an toàn. Dầu phanh, theo thời gian mất độ ẩm và lẫn tạp chất gây ô nhiễm làm giảm độ sôi. Khi sử dụng phanh thường xuyên khiến dầu sôi, mất tác dụng phanh. Ngoài ra cần kiểm tra bề mặt, áp suất lốp và luôn chú ý có lốp dự phòng.
Do đặc thù đường đồi núi rất nhiều khúc cua liên tục nên các bạn gần như phải liên tục bẻ lái với vô lăng. Ước lượng độ gấp của khúc cua để đánh lái vừa đủ là yếu tố quan trọng giúp cho chiếc xe chạy ổn định, không tròng trành và luôn nằm trên phần đường quy định.
Đặc biệt lưu ý các tài xế hay có thói quen xoa vô lăng bằng 1 tay, điều này cực nguy hiểm khi chạy xe đường đèo bởi các khúc cua gắt đòi hỏi lực giữ vô lăng lớn hơn so với đường bằng.
Việc các bạn chạy đều chân ga và hạn chế phanh chính là để duy trì tốc độ xe luôn giữ được ổn định nhất có thể, từ đó tốc độ trung bình của hành trình sẽ cao hơn nhiều so với cách chạy phóng nhanh, phanh gấp. Duy trì tốc độ ở đây có thể hiểu là khả năng giữ tốc độ trong giới hạn mà bạn có thế kiểm soát an toàn. Điều đó có nghĩa là khả năng giữ tốc độ của mỗi người cũng sẽ khác nhau và tốc độ trung bình cũng khác nhau tùy thuộc vào khả năng lái xe.
Bí quyết của việc leo đèo chính là “nuôi đà”. Bằng cách nhịp nhàng với chân ga, bạn hãy cố gắng luôn giữ tốc độ không nhỏ hơn 35km/h, vòng tua máy không nhỏ hơn 1500 vòng.
Đối với các khúc cua tay áo, tốc độ vào cua buộc phải thấp hơn nhưng vẫn nên giữ tốc độ vòng tua máy, quan sát trước khi vào các khúc cua gấp để không phải dừng tránh xe ngược chiều. Lưu ý nếu đi theo đoàn, nên giãn cách đủ xa để không phải phanh dồn toa bất ngờ.
Khi đổ đèo, xe càng nặng thì quán tính càng lớn, tốc độ lao dốc sẽ tăng cao nhanh chóng và vượt quá khả năng kiểm soát lái nếu xe vẫn để chế độ D (số tự động), hoặc các cấp số cao (số sàn). Theo trực giác, bạn sẽ phanh, phanh nhiều và giữ lâu sẽ dẫn đến nhiệt độ má phanh tăng quá cao, khi đó má phanh hóa gốm sẽ gây mất tác dụng phanh.
Phương án tối ưu lúc này là phanh giảm tốc độ và về số thấp (1,2,3 với xe số sàn; hoặc D1. D2, S cấp số thấp với xe số tự động), việc này khiến động cơ xe ghìm lại tốc độ xe, có thể đổ dốc một cách an toàn, dễ dàng kiểm soát lái. Lưu ý luôn duy trì tốc độ ở trong ngưỡng an toàn, tuyệt đối không để xe trôi quá nhanh rồi mới hãm lại, cách chạy như vậy có thể gây hư hại đáng kể đối với hệ thống phanh.
Hầu hết đường đèo núi dốc hẹp hơn đường quốc lộ. Một số lái xe có xu hướng bám vạch chia giữa đường để chạy, nhưng kỹ thuật này sẽ không an toàn nếu đường có nhiều xe di chuyển, gây khó chịu cho xe khác, trường hợp xấu dẫn đến tai nạn mà không kịp xử lý, đặc biệt với xe ngược chiều khi vào cua.
Khi gặp sương mù, cần đi chậm, quan sát nhiều hơn.
Khi gặp sương mù, cần đi chậm, quan sát nhiều hơn, bật đèn sương mù và luôn nhớ bám vạch kẻ đường. Thời tiết xấu dẫn tới mất độ bám đường và có thể dẫn tới sạt lở, vì thế luôn cảnh giác, có thể dừng lại nếu cảm thấy nguy hiểm.
Trên những đèo dốc cao, độ ẩm thấp có thể dẫn tới tình trạng say độ cao, mệt mỏi. Vì thế, luôn cung cấp cho cơ thể đủ nước để giữ tỉnh táo. Bên cạnh đó, xe cũng cần “tỉnh táo” bằng cách đổ đầy bình nhiên liệu, vì mật độ xuất hiện trạm nhiên liệu dọc đường là rất ít.
Đi đường đèo núi cần tập trung cao độ và thân xe chuyển hướng nhiều nên dễ dẫn tới căng thẳng, mệt mỏi, người lái nên thường xuyên dừng lại nghỉ ngơi để giữ tỉnh táo tiếp tục chặng đường tiếp theo.