Tại sao lông con hổ có màu đỏ cam cực kỳ nổi bật mà vẫn là hung thần của rừng xanh?

  •   43
  • 4.159

Nhanh nhẹn, lực lưỡng, hàm răng cực khỏe cùng một bản năng tuyệt vời. Nhìn chung, hổ có hội tụ tất cả mọi điều kiện để trở thành loài thú săn mồi kinh khủng nhất chốn rừng xanh. Ngoại trừ bộ lông của chúng: màu đỏ cam vằn đen, gần như tương phản hoàn toàn với màu xanh của rừng thẳm.

Nhưng tại sao tạo hóa lại để loài hổ sở hữu một bộ lông như vậy? Chẳng phải điều đó sẽ khiến quá trình săn mồi của chúng trở nên khó khăn hơn?

Bộ lông của hổ quá rực rỡ nếu xét đến môi trường chúng vốn tồn tại
Bộ lông của hổ quá rực rỡ nếu xét đến môi trường chúng vốn tồn tại.

Đây là câu hỏi đã khiến các nhà khoa học phải đau đầu trong suốt một thời gian dài. Màu lông của chúng quá rực rỡ, không phù hợp với thói quen săn mồi mang tính rình rập. Dù vậy thì mới đây, chúng ta đã có câu trả lời. Lý do đơn giản là vì chúng ta không thể dùng màu sắc con người cảm nhận được để áp dụng cho thế giới tự nhiên.

Con người khác con vật - đó là điều chắc chắn

Màu sắc và hoa văn của các loài động vật phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau. Thí dụ, để giúp chúng nổi bật với bạn tình, hay thậm chí để cảnh báo những kẻ săn mồi rằng chúng là loài độc hại (như rắn, ếch...). Nhưng đối với những kẻ săn mồi theo dạng phục kích như hổ, sư tử... khả năng "tàng hình" trước con mồi sẽ quyết định việc chúng thành công hay thất bại trong chuyến đi săn. Vì vậy, trong tất cả các màu có thể có, tại sao hổ lại có màu cam?

Đối với con người, màu cam là màu được sử dụng cho các mục đích cần lưu ý, như biển báo giao thông, áo bảo hộ... Đó là vì đối với mắt chúng ta, màu cam nổi bật trong hầu hết các môi trường, khiến nó trở nên dễ phát hiện. Theo một cách khoa học, con người có thị giác màu tam sắc (trichromatic), gồm 3 màu cơ bản là đỏ, xanh lục, xanh lam và những biến thể kết hợp giữa chúng. Khả năng nhìn này tương đối giống với một số loài vượn và khỉ.

Tuy nhiên với hầu hết các loài động vật có vú trên cạn như chó, mèo, ngựa, hươu..., chúng chỉ có thị giác màu lưỡng sắc. Điều đó có nghĩa là võng mạc của chúng chỉ chứa các tế bào hình nón với hai màu: xanh lam và xanh lục. Những loài này lại thường là con mồi của hổ. Với thị giác màu lưỡng sắc, chúng không thể phân biệt được giữa các sắc thái màu đỏ và xanh lục, và do đó không nhìn thấy kẻ săn mồi có màu da cam.

Mắt người bình thường có 3 loại tế bào hình nón, và chúng ta cảm nhận được 3 màu cơ bản là đỏ, lục và lam, cùng các màu kết hợp giữa 3 sắc cơ bản này.

Nhưng như hươu nai chẳng hạn, mắt của chúng chỉ có thể tiếp nhận sóng ánh sáng lục và lam. Chúng cũng mù màu đỏ giống như một số trường hợp ở con người. Hay nói cách khác với hươu nai, màu lông đỏ cam của loài hổ cũng sẽ trở thành màu xanh, qua đó giúp hổ gần như hòa lẫn một cách tuyệt đối vào môi trường xung quanh.

Đây là kết quả từ một nghiên cứu mới đây của ĐH Bristol, do tiến sĩ John Fennell đúng đầu. Họ đã sử dụng mô hình máy tính để kiểm tra khả năng nhận diện của một số loài vật ngoài tự nhiên, bằng cách dùng hình ảnh tương ứng với môi trường sống của từng loài và mô phỏng lại những gì chúng nhìn thấy.

Màu sắc của hổ dưới mắt người (phải) và mắt hươu nai (trái).
Màu sắc của hổ dưới mắt người (phải) và mắt hươu nai (trái).

"Với màu lông của hổ, lông của chúng có màu cam với những sinh vật có 3 tế bào hình nón. Còn với nhóm chỉ quan sát được 2 màu, đó lại là màu sắc hoàn hảo và cực kỳ hiệu quả để phục kích trong rừng".

Tiến sĩ Fennell đã thử nghiệm lý thuyết này trên một số người, bằng cách chèn một vật màu đỏ vào giữa 2 tấm nền - một là nền rừng, và 2 môi trường bán hoang mạc. Sau đó, ông theo dõi thời gian người quan sát có thể xác định vật thể đó, trong điều kiện mô phỏng lại khả năng cảm nhận 2 màu và 3 màu.

Kết quả khi mô phỏng lại 3 màu, người quan sát dễ dàng tìm được vật thể. Còn ở nhóm 2 màu thì khó khăn hơn rất nhiều.

Nhưng tại sao con hổ không chọn màu lông xanh cho dễ?

Lý do đơn giản là vì chúng không thể làm được. Tiến sĩ Fennell cho biết, các loài thú không có khả năng sản sinh ra màu lông xanh lục, vì nó cần đến thay đổi rất lớn trong cơ chế hóa sinh trong cơ thể chúng.

Trên thế giới hiện tại chỉ có duy nhất một loài thú có lông màu xanh, đó là con lười. Tuy nhiên, màu xanh ấy không tự nhiên có, mà chúng phải tìm cách để rêu tảo mọc trên người để có sự nguỵ trang tốt hơn.

Đến đây lại xuất hiện một câu hỏi khác: tại sao các loài bị săn - như hươu nai - không tiến hóa để sở hữu khả năng cảm nhận 3 màu?

Một số nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng trong thời kỳ chiến tranh, những người bị mù màu có khả năng phát hiện kẻ thù đang ngụy trang. Tuy nhiên khi thực nghiệm trong phòng thí nghiệm, lý thuyết này không hề đúng. Người có khả năng cảm nhận 3 màu vẫn có thể nhận biết nguỵ trang tốt hơn hẳn. Vậy nên về điểm này, Fennell cho biết đó vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải.

Cập nhật: 10/02/2022 Theo helino/Dân Trí
  • 43
  • 4.159