Một đặc điểm khiến chúng ta khác biệt với các loài động vật linh trưởng khác là phát triển xương cằm. Nói một cách khác, việc có cằm là đặc điểm độc nhất vô nhị của người hiện đại.
Vào thời điểm nào đó trong tiến trình tiến hóa, con người đã phát triển một xương cằm, trong khi những loài động vật khác thì không. Lí do cho hiện tượng này vẫn là chủ đề tranh cãi nảy lửa lâu nay trong cộng đồng khoa học, nhưng các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Iowa (Mỹ) tin rằng, họ cuối cùng đã tìm ra câu trả lời.
Hộp sọ của người hiện đại (trái) có một điểm khác biệt ở cuối khuôn mặt so với hộp sọ của người Neanderthal: nơi phát triển cằm. (Ảnh: BI)
Cho mãi tới hiện nay, các nhà nghiên cứu hầu như gắn cằm của con người với lực cơ học cần thiết để nhai thức ăn. Tuy nhiên, theo nhà nhân chủng học Nathan Holton thuộc Đại học Iowa, không có bằng chứng khoa học nào ủng hộ tuyên bố đó.
Thay vào đó, ông Holton nhận định, con người đã phát triển đặc điểm độc nhất vô nhị trên khuôn mặt, sau khi trở nên ít bạo lực hơn và sống có tính cộng đồng hơn, dẫn đến sự suy giảm các hoóc môn và thay đổi cấu trúc khuôn mặt của chúng ta.
Quá trình này được giải thích diễn ra như sau: Người hiện đại tiến hóa từ các nhóm săn bắn - hái lượm thành các nhóm hợp tác với nhau nhiều hơn, tạo thành các mạng lưới xã hội trải khắp mọi nơi. Những nhóm kết nối nhiều hơn này dường như đã nâng tầm phát triển tới mức họ bộc lộ bản thân trong hội họa và cả các phương tiện biểu tượng khác.
Một tác dụng phụ của sự thay đổi xã hội này là việc suy giảm các hoóc môn, đặc biệt là testosterone. Khi các mức hoóc môn này giảm xuống, cơ thể chúng ta bắt đầu thay đổi theo những cách kỳ lạ. Một thay đổi lớn là khuôn mặt trở nên nhỏ hơn, tạo cơ hội tự nhiên cho cằm xuất hiện trên khuôn mặt người.
Vì vậy, dù nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng cằm có thể là thứ gợi nhắc bất biến về sự thay đổi hành vi và xã hội của con người, xảy ra cách đây hàng ngàn năm