Mặc dù bức tượng bán thân của Nefertiti nổi tiếng thế giới nhưng không có nhiều thông tin về nữ hoàng Ai Cập cổ đại này.
Theo hãng thông tấn DW (Đức), Nefertiti được coi là một trong những người phụ nữ quyền lực nhất thời cổ đại - và là một trong những người đẹp nhất. Mặc dù bức tượng bán thân của bà nổi tiếng thế giới nhưng không có nhiều thông tin về nữ hoàng Ai Cập cổ đại này. Nefertiti dường như nhìn chằm chằm vào khoảng không, trông có vẻ tự tin và xa cách. Không có nhiều thông tin về người phụ nữ sống ở Ai Cập vào thời cổ đại khoảng 3.500 năm trước. Tên của bà có nghĩa là "Người đẹp đã xuất hiện".
Bức tượng bán thân của Nefertiti có thể được chiêm ngưỡng ở Berlin (Đức). (Ảnh: DW).
Nhưng Nefertiti cao hay thấp, nghiêm khắc, hào phóng hay kiêu kỳ? Tất cả những phẩm chất cá nhân của bà đã tan biến vào lịch sử. Không có báo cáo nào từ những người cùng thời với bà, không có giấy cói với những câu chuyện về cuộc đời bà. Chỉ có một vài bức phù điêu và chữ khắc cổ cung cấp rất ít thông tin chi tiết về Nefertiti bí ẩn.
Những gì được biết là khi còn trẻ, có lẽ ở độ tuổi từ 12 đến 15, Nefertiti đã trở thành vợ của Amenhotep IV. Ông được gọi với biệt danh "Pharaoh dị giáo" vì đã bãi bỏ thuyết đa thần và sau đó chỉ tôn thờ Aten - vị thần ánh sáng, được miêu tả như một đĩa mặt trời rạng rỡ.
Ông cũng đổi tên mình, từ Amenhotep thành Akhenaten (có nghĩa là "Người phục vụ Aten"), trong khi Nefertiti trở thành Neferneferuaten ("Vẻ đẹp là vẻ đẹp của Aten").
Olivia Zorn - Phó giám đốc Bảo tàng Ai Cập Berlin thuộc Bảo tàng Neues (Đức) - cho biết, Nefertiti mang danh hiệu "Người vợ vĩ đại của Hoàng gia" và đứng ngang hàng với chồng mình. "Họ đã thành lập một bộ ba, tam vị nhất thể, với thần Aten. Aten, Akhenaten và Nefertiti gần như là một đơn vị chính phủ".
Bức phù điêu cổ: Pharaoh Akhenaten và Nữ hoàng Nefertiti thờ thần mặt trời Aten. (Ảnh: AP).
Khoảng năm 1350 trước Công nguyên, vợ chồng pharaoh rời thủ đô Thebes (nằm bên bờ đông của sông Nil và cách Địa Trung Hải khoảng 800 km về phía nam) và trong một thời gian ngắn đã xây dựng thành phố Akhetaten ("Đường chân trời của Aten"), với dân số 50.000 người, làm nơi ở mới của hoàng gia. Vị trí là đồng bằng Amarna - một thung lũng được bảo vệ bởi những vách đá dựng đứng (hiện nay thuộc tỉnh Minya của Ai Cập, cách thủ đô Cairo 312km về phía nam).
Akhenaten cũng xây dựng Gem-pa-Aten ("Aten được tìm thấy") - một ngôi đền dành riêng cho vị thần của mình trong thời gian kỷ lục. Nhưng bằng cách tuyên bố thuyết độc thần, vợ chồng pharaon đã tạo ra những kẻ thù hùng mạnh, khiến hàng ngàn linh mục thất nghiệp.
Akhenaten qua đời vào năm trị vì thứ 17 của ông. Không ai biết chắc điều gì đã xảy ra với Nefertiti sau đó. Theo một giả thuyết, bà có thể đã cai trị một thời gian sau cái chết của chồng mình dưới cái tên Smenkhkare. "Nhưng rất có thể bà đã chết trước chồng", Olivia Zorn nói.
Ghi chép lịch sử về triều đại pharaon tiếp theo chi tiết hơn, dưới thời Tutankhamun huyền thoại. Ông và các cố vấn của mình đã hồi sinh các vị thần cũ và phá hủy các công trình vốn được Akhenaten dùng để tôn vinh Aten, biến chúng thành mỏ đá. Thủ đô mới Akhetaten cũng sụp đổ.
Theo hãng thông tấn DW, có lẽ chúng ta sẽ chẳng bao giờ nghe nói về Nefertiti nếu kiến trúc sư và nhà Ai Cập học người Đức Ludwig Borchardt không đến Ai Cập vào đầu thế kỷ 20, lần theo dấu vết của thành phố huyền thoại Akhetaten.
Borchardt được Hoàng đế cuối cùng của nước Đức Wilhelm II ủy quyền để tìm kiếm các vật phẩm cho bảo tàng hoàng gia ở Berlin. Vào ngày 6/12/1912, trong quá trình khai quật, Borchardt và nhóm của mình đã tình cờ phát hiện ra xưởng của một nhà điêu khắc - người có thể đã từng phục vụ hoàng gia Ai Cập vào năm 1300 trước Công nguyên.
Có rất nhiều tượng bán thân dưới đống đổ nát, trong đó có một bức tượng đội mũ miện màu xanh đậm. Dái tai của bức tượng được xỏ lỗ, đôi mắt được trang điểm; ngoại trừ đặc điểm mống mắt trái bị mất, thì bức tượng bán thân được bảo tồn gần như hoàn hảo.
Borchardt xúc động: "Chúng ta đang cầm trong tay tác phẩm nghệ thuật sống động nhất của Ai Cập".
Nhà khảo cổ học người Đức Ludwig Borchart đã mang bức tượng bán thân của Nefertiti đến Berlin. (Ảnh: Medea FILM).
Mũ miện của Nefertiti là một loại phụ kiện đội đầu phổ biến ở Ai Cập cổ đại, cũng như những bộ tóc giả đồ sộ. Đầu của nữ hoàng rất có thể đã được cạo trọc - điều đó sẽ giúp việc đội những chiếc mũ nặng nề trở nên dễ dàng hơn, cũng như ngăn chặn sự xâm nhập của chấy rận.
"Kiểu trang điểm như chúng ta ngày nay chưa tồn tại vào thời điểm đó. Nhưng người ta trang điểm mắt bằng đường kẻ xinh xắn đó. Nó còn có tác dụng sát khuẩn, xua đuổi vi khuẩn có thể chui vào mắt dẫn đến mù lòa", Olivia Zorn - Phó giám đốc Bảo tàng Ai Cập Berlin nói.
Với sự hỗ trợ tài chính của Hiệp hội Phương Đông Đức (German Oriental Society) - tổ chức đã tài trợ cho chuyến thám hiểm Ai Cập của Borchardt, ông đã mang bức tượng bán thân Nefertiti đến Berlin. Theo quy định vào thời bấy giờ, tất cả những cổ vật được tìm thấy sẽ được chia đều giữa Ai Cập và quốc gia tiến hành khai quật (trong trường hợp này là Đức). Borchardt đại diện cho Đế quốc Đức.
Gaston Maspero - Giám đốc Cơ quan quản lý cổ vật Ai Cập dưới quyền giám hộ của Pháp, đã ủy quyền cho đồng nghiệp của mình là Gustave Lefebvre sắp xếp việc phân chia cổ vật được tìm thấy. Một phần bao gồm bức tượng bán thân Nefertiti và những thứ khác, phần còn lại là một bàn thờ có hình vợ chồng pharaon Akhenaten và nữ hoàng Nefertiti cùng ba người con của họ.
Vì Bảo tàng Ai Cập ở Cairo chưa từng sở hữu một chiếc bàn thờ nào nên họ đã quyết định không lấy bức tượng bán thân. Sau đó, Borchardt bị cáo buộc lưu trữ bức tượng bán thân trong điều kiện kém lý tưởng, nên Lefebvre không nhận ra giá trị thực của nó.
Vì vậy, "người đẹp Ai Cập" đã lên đường tới Berlin, nơi lần đầu tiên bà xuất hiện trước công chúng vào năm 1924, gây ra cơn sốt Nefertiti thực sự. Hình ảnh của bức tượng bán thân đã được đăng trên bìa tạp chí và được sử dụng trong các chiến dịch quảng cáo mỹ phẩm, nước hoa và đồ trang sức, cũng như bia, cà phê và thuốc lá.
Bị lạc trong cát sa mạc trong nhiều thiên niên kỷ, bức tượng bán thân Nefertiti đã trở thành một thần tượng được ngưỡng mộ.
Bộ phim "Nữ hoàng sông Nile" năm 1961 với Jeanne Crain trong vai Nefertiti. (Ảnh: IFTN/United Archives)
"Trở lại đầu thế kỷ 20, bà ấy [Nefertiti] phù hợp với vẻ đẹp lý tưởng hiện đại ngày nay, với gò má cao và các đường nét thanh tú", bà Zorn nói. Nhưng bà Zorn cũng nói thêm rằng, "tất nhiên chúng tôi không thể nói chính xác liệu đó có phải là vẻ đẹp lý tưởng của 3.500 năm trước hay không".
Theo hãng thông tấn DW, bức tượng bán thân đầy màu sắc này không phải là hình ảnh duy nhất của Nefertiti được tìm thấy. Những bức phù điêu cổ đại thể hiện hình ảnh bà tay trong tay với Akhenaten trong các nghi lễ tôn giáo, hay hình ảnh một người mẹ tận tụy với 6 cô con gái của mình… và có cả những bức tượng khác.
Bức tượng bán thân được làm bằng lõi đá vôi, trên đó nhà điêu khắc đã phủ vữa để mô phỏng các đặc điểm của Nefertiti.
Một lần chụp cắt lớp vi tính (CT) vào năm 2006 cho thấy một khuôn mặt nhăn nheo được khắc vào đá vôi. Bà Zorn nói: "Người nghệ sĩ đã phủ một lớp vữa mỏng lên trên đó, giống như cách trang điểm với phấn nền để làm mịn da".
Nefertiti rất có thể có cả hai mắt, nhưng bà Zorn có một giả thuyết về lý do tại sao bức tượng bán thân nổi tiếng chỉ còn một mắt. "Nó đơn giản chỉ là một mô hình. Nó được nghệ sĩ sử dụng làm khuôn mẫu cho các bức tượng khác của nữ hoàng. Một miếng mống mắt đó có lẽ là được sử dụng để thử với các vật liệu khác nhau", bà Zorn giải thích.
Để tái tạo chính xác hơn khuôn mặt thật của Nefertiti, người ta sẽ cần đến xác ướp của bà. "Nhưng cho đến nay, xác ướp của Nefertiti vẫn chưa được xác định rõ ràng, mặc dù đã có nhiều nỗ lực", bà Zorn nói.
Và ngay cả khi xác ướp của Nefertiti một ngày nào đó được xác định rõ ràng, vẫn sẽ có những điểm không chính xác. "Các xác ướp được bó lại một cách tự nhiên. Chỉ có xương và da, và phần khó tái tạo trên khuôn mặt thường là mũi", bà Zorn nói.
Ngày nay, khoảng 3.500 năm sau khi Nefertiti qua đời, vẫn không thể xác định chính xác diện mạo của bà. Và nhờ bức tượng bán thân, Nefertiti vẫn là một vẻ đẹp đáng chú ý trong tâm trí mọi người.
Bức tượng bán thân của Nefertiti tiếp tục mê hoặc mọi người trên khắp thế giới. (Ảnh: AP).
Theo hãng thông tấn DW, Ai Cập muốn đưa "đại sứ nổi tiếng" của đất nước họ trở về, nhưng Berlin nhận thấy không có lý do gì để trả lại.
"Hoàn toàn không có yêu cầu bồi thường. Tính pháp lý rõ ràng. Sau tất cả, bức tượng bán thân đã được trao cho nhà Ai Cập học người Đức Ludwig Borchardt theo thỏa thuận 100 năm trước", Olivia Zorn - Phó giám đốc Bảo tàng Ai Cập Berlin - cho biết.
Nhưng theo hãng thông tấn DW, nhìn từ quan điểm ngày nay, câu hỏi đặt ra là liệu Ai Cập có bất kỳ tiếng nói nào trong vấn đề này hay không, vì đất nước này vào thời điểm đó nằm dưới sự cai trị của thực dân Anh và cơ quan quản lý cổ vật nằm dưới sự quản lý của Pháp.
Bà Zorn nhanh chóng phản bác lại: "Bức tượng bán thân không thích hợp để chuyển đi nơi khác, nếu chỉ vì lý do bảo tồn. Nếu chúng tôi chuyển nó đi, sẽ có nguy cơ nó sẽ không đến nơi nguyên vẹn. Và tôi không nghĩ bất cứ ai muốn điều đó".
Vì vậy, theo hãng thông tấn DW, nhiều khả năng bức tượng bán thân Nefertiti sẽ tiếp tục ra hầu tòa ở Berlin trong thời gian tới.