Tại sao tâm trạng phái nữ thay đổi trước kỳ kinh?

Hội chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt là gì?
  •  
  • 377

Nhiều người gặp khó khăn trong việc tập trung, cảm thấy vô vọng, không có năng lượng và khó kiểm soát cảm xúc trước khi đến kỳ kinh nguyệt.

Những thay đổi điển hình về nồng độ estrogen và progesteron xảy ra trước kỳ kinh nguyệt khiến phái nữ đau bụng, đau đầu hay thay đổi cảm xúc.

Theo Insider, người mắc chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD) có nghĩa là bạn rất nhạy cảm với những thay đổi nội tiết tố trong cơ thể. Vì vậy, khi nồng độ estrogen và progesterone giảm xuống trước chu kỳ, bạn sẽ cảm thấy rất khó chịu về thể chất và tâm trạng thất thường.

PMDD là một chẩn đoán y tế mới được công nhận, ảnh hưởng đến 5% số người đang có kinh nguyệt.

Tình trạng sức khỏe tâm thần mạn tính này gây ra sự cáu kỉnh, buồn bã, tức giận hoặc lo lắng dữ dội. Không giống các dạng trầm cảm khác, PMDD chỉ gây ra các triệu chứng trong giai đoạn tiền kinh nguyệt của chu kỳ.

Tiến sĩ Nita Landry, bác sĩ sản phụ khoa tư nhân cho biết PMS (hội chứng tiền kinh nguyệt) và PMDD có thể liên quan đến hơn 150 triệu chứng tâm lý, hành vi và thể chất, từ hoang tưởng đến viêm da hoặc thay đổi thị lực.

Theo Insider, có 5 dấu hiệu hàng đầu của PMDD cần chú ý và cách để điều trị.

Lo lắng hoặc kích động tột độ

PMDD có thể khiến bạn cảm thấy hoài nghi, bi quan và lo lắng. Không giống như PMS, những cảm giác lo lắng này trở nên nghiêm trọng đến mức ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày và các mối quan hệ của bạn.

Ví dụ: Một phiền toái nhỏ như một người bạn đến muộn có thể châm ngòi cho cảm giác giận dữ cực độ của bạn. Điều này có thể làm tổn hại đến mối quan hệ của bạn với người khác.

Hoặc do dễ cáu kỉnh và nhạy cảm hơn với những lời chỉ trích, bạn có thể đưa ra phản hồi thẳng thừng hơn bình thường và tranh cãi nhiều hơn với đồng nghiệp hoặc nhân viên, điều này gây nguy hiểm cho sự nghiệp của bạn.


Các triệu chứng PMDD có thể giống với PMS, nhưng PMDD đủ nghiêm trọng để có tác động lớn đến cuộc sống của bạn. (Ảnh: Freepik).

Nỗi buồn, sự tuyệt vọng bao trùm

Giống như các dạng trầm cảm khác, PMDD có thể khiến bạn mất hứng thú với những thứ mà bạn thích.

Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần liệt kê PMDD trong danh mục "rối loạn trầm cảm".

Thực tế, PMDD thường bị chẩn đoán nhầm là một loại trầm cảm vì nỗi buồn mà nó gây ra, Monique Gonzalez, nhà tâm lý học lâm sàng, cho biết.

Ví dụ: Bình thường, bạn dành thời gian với bạn bè hoặc đến phòng tập mỗi ngày, nhưng trong những ngày trước chu kỳ kinh nguyệt, bạn cảm thấy quá chán nản để ra khỏi nhà, phớt lờ tin nhắn, cuộc gọi của bạn bè và chỉ nằm yên trong nhà.

Ngoài ra, bạn cũng có thể khóc thường xuyên hoặc bất chợt trước chu kỳ kinh nguyệt. Độ nhạy cảm tăng cao này khiến mọi thứ xung quanh bạn trở nên trì trệ.

Cường độ của chứng trầm cảm này và tác động của nó đối với cuộc sống khiến bạn cảm thấy tuyệt vọng hoặc bị mắc kẹt. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến ý nghĩ tự tử.

Cả PMS và PMDD đều có thể khiến bạn cảm thấy tuyệt vọng hoặc buồn bã, nhưng ý nghĩ tự tử là một triệu chứng của PMDD.

Kiệt quệ về tinh thần và thể chất

Nhà tâm lý học lâm sàng Monique Gonzalez nói: "Nếu bạn bị PMDD, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi, chỉ muốn nằm trên giường trong nhiều ngày".

Bạn có thể cảm thấy:

  • Đau hoặc cơ thể mệt mỏi, giống như bị cúm
  • Quá mệt mỏi để tập trung vào công việc hoặc học tập
  • Tinh thần hoặc thể chất bị kích thích quá mức bởi các tác nhân gây căng thẳng hàng ngày như kẹt xe
  • Quá kiệt sức để làm các công việc cơ bản như ăn, tắm
  • Không thể ngủ

Sự mệt mỏi này cũng ảnh hưởng đến não. Nhà tâm lý học lâm sàng Monique Gonzalez cho biết, trong khi nhiều người gặp phải các triệu chứng PMS phải vật lộn để tập trung trước kỳ kinh nguyệt, PMDD có thể gây ra tình trạng sương mù não bộ khiến các công việc hàng ngày dường như không thể thực hiện được.

Bạn cũng có thể nhận thấy tình trạng hay quên ngày càng tăng, chẳng hạn để quên ví hoặc đánh mất chìa khóa.


Trước kỳ kinh nguyệt, bạn có thể gặp khó khăn trong việc tập trung, cảm thấy vô vọng, không có năng lượng và dễ bị xung đột tâm lý. (Ảnh: Freepik).

Khó chịu hoặc đau đớn về thể chất

PMDD cũng có thể gây ra cơn đau suy nhược trước khi kỳ kinh nguyệt bắt đầu. Bạn cũng nhận thấy đau khớp hoặc các cơ.

Việc bị chuột rút và đau nhức cơ thể là một phần của PMS. Với PMDD, cơn đau này dữ dội đến mức bạn cần phải nghỉ làm vài ngày trước khi chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu.

Điều đó cho thấy mức độ nghiêm trọng của sự khó chịu về thể chất. Bạn cũng có thể nhận thấy các triệu chứng khác như:

  • Đau hoặc sưng vú
  • Cơ thể nóng bừng
  • Đổ mồ hôi nhiều hơn bình thường
  • Tăng độ nhạy cảm với âm thanh, ánh sáng, mùi hoặc sự động chạm
  • Đau đầu

Thay đổi khẩu vị

PMDD gây cảm giác thèm ăn dữ dội, đặc biệt là đối với thực phẩm giàu carbohydrate như chocolate, bánh quy và đồ ăn nhẹ giàu chất béo.

Các chuyên gia đưa ra giả thuyết cho rằng điều này xảy ra vì phản ứng cảm xúc của bạn với thức ăn nhạy cảm hơn trong giai đoạn trước chu kỳ kinh nguyệt. Trong khi đó, thức ăn ngọt và béo mang lại cảm giác tích cực hơn.

Theo một nghiên cứu, những người bị PMDD có độ nhạy cảm cao hơn những người khác, điều này dẫn đến phản ứng cảm xúc rõ rệt hơn đối với đồ ăn ngọt và béo.

Một số bằng chứng cũng chỉ ra mối liên hệ giữa việc khó kiểm soát cảm giác thèm ăn và ăn uống vô độ ngay trước kỳ kinh nguyệt.

Các vấn đề về tiêu hóa liên quan đến PMDD bao gồm:

  • Buồn nôn hoặc nôn
  • Đầy hơi
  • Táo bón

Bác sĩ sản phụ khoa Nita Landry cho biết bạn cũng có thể cảm thấy thèm ăn khi mắc PMS - nhưng PMDD gây ra các vấn đề về tiêu hóa nghiêm trọng.


Tâm trạng thay đổi khiến bạn chán ăn, cảm thấy khó chịu trong cơ thể. (Ảnh: Freepik).

Cách xác định bản thân mắc hội chứng PMDD

Chuyên gia trị liệu, bác sĩ chăm sóc sức khỏe có thể chẩn đoán PMDD, nhưng bạn cần theo dõi các triệu chứng của mình trong ít nhất hai tháng.

Nếu bạn không thể chịu đựng được các triệu chứng, tốt nhất bạn nên đặt lịch hẹn với chuyên gia càng sớm càng tốt.

Để chẩn đoán PMDD, bạn cần có 5 triệu chứng trở lên bắt đầu một tuần trước chu kỳ và cải thiện trong ba ngày đầu tiên của kỳ kinh. Không giống như PMS, những triệu chứng này sẽ làm gián đoạn công việc, học tập hoặc cuộc sống cá nhân của bạn trong một tuần, trong hầu hết tháng bạn có kinh nguyệt.

Cách chữa hội chứng PMDD

Không có cách chữa khỏi PMDD, nhưng một số phương pháp điều trị, bao gồm thay đổi lối sống và dùng thuốc, có thể giúp giảm bớt các triệu chứng.

Phương pháp điều trị bao gồm:

  • Sử dụng thuốc chống trầm cảm do bác sĩ kê đơn
  • Kiểm soát nội tiết tố
  • Thay đổi chế độ ăn uống
  • Tâm lý trị liệu
  • Tập thể dục, đi bộ và yoga
  • Sử dụng thuốc giảm đau do bác sĩ kê đơn

Ngoài ra, bạn có thể thực hiện các bước để giảm căng thẳng bằng cách:

  • Ngủ 7-9 tiếng/đêm
  • Chia sẻ cảm xúc với gia đình, người thân và bạn bè để nhận được sự hỗ trợ về mặt tinh thần.
  • Sử dụng dầu thơm có thể làm giảm đau bụng kinh
  • Khiêu vũ hoặc hát theo điệu nhạc bạn thích để cải thiện tâm trạng.

Cái tên gây tranh cãi của kính viễn vọng 10 tỷ USD

Vì sao ong lại liên quan đến sự tồn vong của loài người?

Những phát minh vĩ đại nhất thế giới trong năm 2022

Cập nhật: 10/12/2022 Zing
  • 377