Các nhà khoa học mới đây cho biết có thể tái tạo bầu không khí của sao Hỏa trong một buồng mây khổng lồ tại lò phản ứng hạt nhân ngừng hoạt động ở Karlsruhe, Đức.
>>> Siêu núi lửa trên sao Hỏa
>>> Phát hiện lượng nước đáng kể trong đất trên sao Hỏa
Buồng mây cao ba tầng đặt tại trung tâm nghiên cứu khí quyển (AIDA) thường được các nhà khoa học sử dụng để tạo môi trường nhân tạo gần giống Trái Đất. Khi điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm cần thiết, các nhà khoa học có thể tạo ra các đám mây ti như loại mây trên Sao Hỏa, Nature World News cho hay.
Theo các nhà nghiên cứu từ Học viện Công nghệ Massachusetts Mỹ (MIT), nhiệt độ ở Sao Hỏa thấp hơn nhiều so với nhiệt độ Trái Đất, những đám mây trên hành tinh này thường có độ ẩm trung bình khoảng 190%, lớn hơn rất nhiều so với điều kiện hình thành mây trên Trái Đất.
Ảnh: Nasa
Khi thực hiện thí nghiệm, các nhà nghiên cứu sẽ hạ nhiệt độ bên trong buồng mây thấp dần đến khi đạt âm 84 độ C để tạo ra những đám mây giống trên sao Hỏa. Mặc dù đây là mức nhiệt độ cực thấp, nhưng so với điều kiện trên hành tinh đỏ thì đây chỉ “một ngày hè ấm áp”. Trong khi đó, nhiệt độ thấp nhất mà những đám mây có thể hình thành trên Trái Đất là âm 63 độ C.
Trong vòng một tuần, có tất cả 10 đám mây được tạo ra với thời gian hình thành mỗi đám mây là 15 phút. Nhóm nghiên cứu có thể đưa ra đánh giá bằng cách đo sự tán xạ của ánh sáng laser hướng vào những đám mây.
Sự hình thành mây ở sao Hỏa là cơ sở để tìm hiểu nguồn nước và quá trình tuần hoàn của nước trong bầu khí quyển diễn ra như thế nào ở trên hành tinh này.
Trong thời gian tới, nghiên cứu sẽ được với một buồng mây hiện đại hơn, cho phép tạo nhiệt độ lạnh hơn hoặc gần giống với điều kiện băng giá trên sao Hỏa.