Tấm bản đồ mô tả vị trí Trái đất trong thiên hà được NASA đặt vào tàu vũ trụ Voyager khiến các chuyên gia tranh cãi về nguy cơ chạm trán người ngoài hành tinh.
Theo National Geographic, hai tàu vũ trụ Voyager được NASA phóng ra ngoài vũ trụ cuối những năm 1970. Đây là hai tàu vũ trụ đạt khoảng cách xa nhất Trái đất từ trước đến nay.
Đĩa vàng có khắc ghi bản đồ chỉ vị trí Mặt trời gửi đến người ngoài hành tinh.
Một tàu đã đến được vùng không gian liên sao (interstellar) còn tàu con lại đang ở vùng nhật sao (heliosheath).
Tấm bản đồ được NASA đặt trong chiếc đĩa vàng trên hai tàu Voyager. Nếu được người ngoài hành tinh tìm thấy và giải mã, tấm bản đồ sẽ hé lộ vị trí Hệ Mặt trời và cả Trái đất trong thiên hà.
“Chúng tôi muốn đặt một thứ gì đó vào trong Voyager để lưu lại nơi nó đã rời đi và nó đã đi được quãng đường bao xa”, Frank Drake, người tạo ra tấm bản đồ nói.
Thứ mà Voyager mang đi trong sứ mệnh tìm kiếm người ngoài hành tinh không giống bất kỳ tấm bản đồ nào con người từng tạo nên trước đây. Nó giống như một dạng mật mã với hy vọng trí thông minh ngoài Trái đất có thể hiểu và giải mã được.
Câu hỏi đặt ra là, làm cách nào có thể tạo ra tấm bản đồ mà người ngoài hành tinh có thể hiểu được? Việc xác định vị trí trong không gian là điều không hề dễ dàng, bởi ở đó không có khái niệm hướng đông, tây, nam, bắc.
Phác họa các ngôi sao gần Trái đất cũng là điều vô nghĩa nếu tấm bản đồ được tìm thấy sau hàng tỷ năm. Khi đó có quá nhiều thứ thay đổi, các ngôi sao có thể đã chết và nổ tung từ lâu.
Đối với Frank Drake, ông đã nghĩ ra cách tạo nên bản đồ bằng sao xung (pulsar), hay còn gọi là các ngọn hải đăng trong vũ trụ.
Tàu vũ trụ Voyager 2 được phóng lên quỹ đạo vào ngày 20/8/1977.
Khi những ngôi sao có khối lượng lớn hơn Mặt trời đi đến cuối chu kỳ, chúng tạo nên một vụ nổ lớn, để lại các chùm tia có cường độ mạnh, tồn tại trong hàng triệu, hàng tỷ năm gọi là pulsar.
Mỗi pulsar đều đặc biệt, không hề giống nhau và có thể dễ dàng nhận biết. Pulsar có thể yếu đi sau một khoảng thời gian dài nhưng trí thông minh ngoài hành tinh có thể tính toán để biết được rằng pulsar đã tồn tại bao lâu và thời gian tấm bản đồ được tạo nên.
Nếu như người ngoài hành tinh biết được pulsar là gì, họ sẽ biết nơi các hành tinh chết đi. Tổng hợp các thông tin, họ có thể tìm được đường đến Hệ Mặt trời.
Drake thảo luận với nhà thiên văn Sagan và cả hai đã đưa ra quyết định cuối cùng. Ông vẽ tấm bản đồ bằng 14 tia pulsar. Các tia này đều quy tụ lại ở Mặt trời, nơi quan trọng nhất mà các nhà thiên văn học muốn người ngoài hành tinh biết đến.
Giải mã thành công tấm bản đồ đồng nghĩa là xác định được vị trí Mặt trời và khoảng thời gian tàu vũ trụ được phóng đi.
Khi phóng tàu Voyager, các nhà thiên văn học không biết đến sự tồn tại của các hành tinh khác ngoài Hệ
Mặt trời. Ngày nay, NASA đã giúp con người biết rằng, có vô số hành tinh tồn tại trong thiên hà, và không ít các hành tinh có kích thước giống như Trái đất.
Phác họa hình ảnh Voyager 2 trải qua hành trình vô tận dài trong vũ trụ.
Đó là lúc mà các nhà khoa học lo ngại khả năng tìm thấy người ngoài hành tinh, rằng liệu họ có thân thiện với con người hay không.
“Ngày trước, chúng tôi đều tỏ ra lạc quan, nghĩ rằng người ngoài hành tinh sẽ thân thiện”, ông Drake nói. “Không ai nghĩ về khả năng gửi một tấm bản đồ ra ngoài vũ trụ là điều nguy hiểm”.
Tuy vậy, ông Drake nói khả năng để người ngoài hành tinh tìm thấy tấm bản đồ là khá thấp. “Tàu vũ trụ di chuyển với tốc độ 10km/giây trong khi để từ hành tinh này sang hành tinh khác phải mất đến nửa triệu năm”.
Nếu nền văn minh ngoài Trái đất có radar cực mạnh, họ sẽ bắt được tín hiệu từ Voyager. Nhưng có lẽ khả năng đó là rất thấp, ông Drake nói.
Âm thanh, hình ảnh và tấm bản đồ mô tả vị trí Trái đất có lẽ sẽ được tàu Voyager mang đi một cách thầm lặng trong vũ trụ cho đến khi con tàu ngừng hoạt động hoàn toàn.
Có một điều thực tế là con người đã và đang chứng minh sự tồn tại trong vũ trụ bằng nhiều cách khác nhau. Nên có thể người ngoài hành tinh sẽ đến Trái đất theo cách khác, không phải từ tấm bản đồ trên tàu Voyager.