Titan, mặt trăng lớn nhất của sao Thổ, sẽ trở thành mục tiêu khám phá của tàu vũ trụ NASA phóng năm 2026 trong công cuộc tìm kiếm sự sống.
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ đưa máy bay không người lái hoạt động bằng năng lượng hạt nhân tới Titan, mặt trăng lớn nhất của sao Thổ, để khám phá nhiều địa điểm nhằm tìm kiếm dấu hiệu của sự sống. Trong buổi họp báo hôm 27/6, NASA cho biết máy bay 4 cánh kép mang tên Dragonfly sẽ bay từ địa điểm này tới địa điểm khác trên Titan, mặt trăng có điều kiện tương tự Trái Đất cách đây 4 tỷ năm.
Dragonfly sẽ khám phá nhiều địa điểm trên mặt trăng Titan. (Ảnh: NASA).
Nếu thành công, Dragonfly có thể hé lộ quá trình sự sống phát sinh trên Trái Đất, từ đó cung cấp dữ liệu hữu ích cho công cuộc tìm kiếm sự sống trong vũ trụ. Dự án Dragonfly nằm trong chương trình New Frontiers của NASA, hướng tới tìm hiểu cách các điều kiện hóa học dọn đường cho tổ chức sinh học phát triển.
Từ lâu các nhà khoa học đã coi Titan là nơi hấp dẫn để nghiên cứu khả năng hỗ trợ sự sống vi khuẩn. Địa hình của Titan chủ yếu là đụn cát và vùng nước chứa các hợp chất hydrocarbon, gồm methane và ethane lỏng. Bề mặt mặt trăng này cấu tạo từ băng cứng như đá. Bên dưới lớp vỏ ẩn chứa nguồn dự trữ nước lỏng được cho là có cùng nhiệt độ với các vùng nước nông ở Thái Bình Dương. Trong thành phần hóa học hữu cơ của Titan có những phân tử phức tạp, có thể tạo nền tảng cho sự sống phát triển.
Dragonfly sẽ được phóng vào năm 2026 và tới Titan sớm nhất vào năm 2034 sau khi vượt qua quãng đường 1,6 tỷ km. Tàu vũ trụ kết hợp giữa máy bay không người lái và thiết bị đổ bộ được thiết kế để tận dụng trọng lực và khí động giống Trái Đất của Titan, giúp tăng cường tối đa khả năng thám hiểm.
Các thiết bị trên Dragonfly tương tự như robot thăm dò sao Hỏa Curiosity của NASA. Dragonfly sẽ hoạt động nhờ năng lượng hạt nhân với máy phát nhiệt điện đồng vị phóng xạ thay vì dựa vào ánh sáng Mặt Trời. Khí quyển của Titan quá dày để ánh sáng Mặt Trời xuyên qua. Con tàu sẽ được trang bị nhiều thiết bị khoa học để phát hiện chất hữu cơ phức tạp và dấu hiệu sinh học. Dragonfly cũng có thể đo hoạt động địa chấn để khám phá đại dương bên dưới lớp vỏ Titan.
"Dragonfly là thiết bị đổ bộ dạng máy bay không người lái đầu tiên, có thể bay hơn 160 km xuyên qua bầu khí quyển dày của Titan", Jim Bridenstine, quản lý của NASA, cho biết. "Titan có điều kiện giống Trái Đất thuở sơ khai nhất. Các thiết bị của Dragonfly sẽ đánh giá hóa học hữu cơ và các dấu vết hóa học của sự sống ở quá khứ hoặc hiện tại. Chúng tôi sẽ phóng tàu Dragonfly để khám phá những biên giới của tri thức loài người vì lợi ích của nhân loại".