Truyền thông Mỹ đã gọi các tàu ngầm Nga lớp Akula là "tàu ngầm-quái vật", một trong những "vũ khí đáng sợ nhất từng có".
Các tàu ngầm Nga dự án 941 "Akula" là những tàu ngầm lớn nhất trên thế giới. Khả năng tiêu diệt cùng lúc tới 200 mục tiêu khiến chúng trở thành "một trong những vũ khí khủng khiếp nhất"/ Kết luận được Kyle Mizokami đưa ra trong bài báo trên The National Interest.
Theo chuyên gia quân sự Kyle Mizokami, tàu ngầm Đề án 941 "Akula" được Liên Xô thiết kế để hình thành lực lượng răn đe hạt nhân trên biển. Sau khi biết Hải quân Mỹ chuẩn bị ra mắt tàu ngầm lớp Ohio trang bị 192 đầu đạn hạt nhân, lãnh đạo Liên Xô quyết định phát triển mẫu tàu ngầm của riêng mình để đối phó với mối đe dọa này. Kết quả là tàu ngầm lớp Akula đã ra đời.
Tàu ngầm quái vật lớp Akula của Nga.
Tàu ngầm lớp Akula hoạt động ở khu vực Bắc Cực, tương đối gần lãnh thổ Liên Xô, nơi được lực lượng không quân và hải quân bảo vệ. Các tàu ngầm loại này được chế tạo với lớp vỏ kiên cố và khoang nổi lớn, đủ sức vượt qua các tảng băng vùng cực. Hai chân vịt được che chắn để tránh va chạm với băng.
Tàu dài gần 172m, rộng 25,5m, đủ để lắp cả tên lửa lẫn một khoang nổi lớn trong vỏ tàu. Kết quả là lớp Akula có lượng giãn nước khi chìm 48.000 tấn, gấp đôi tàu ngầm Mỹ. Tàu này có thể di chuyển với vận tốc 44km/h khi nổi và gần 50km/h khi lặn, nhờ hai lò phản ứng hạt nhân OKB-650 có công suất tổng cộng gần 100.000 mã lực.
Một trong số những đặc điểm nổi bật của tàu ngầm được tác giả nêu có sự tăng cường thân tàu "với khả năng xuyên đá băng vùng cực", với trang bị vũ khí gồm 20 tên lửa đạn đạo R-39 nhiên liệu cứng.
"R-39 là tên lửa đạn đạo khổng lồ động cơ ba tầng dài 16m và nặng 84 tấn. Có tầm hoạt động 4.480 hải lý, R-39 có thể tấn công bất cứ điểm nào trên lục địa Mỹ", Mizokami viết.
Cuộc chạy đua vũ trang thời Chiến tranh Lạnh là cuộc cạnh tranh về số lượng đầu đạn hạt nhân. Tàu ngầm lớp Akula chỉ mang được 20 tên lửa, so với 24 tên lửa của tàu ngầm lớp Ohio, nên mỗi tên lửa Liên Xô phải mang được nhiều đầu đạn hơn tên lửa Trident C-4 của Mỹ.
Một tàu ngầm lớp Akula. (Ảnh: Radikal.ru).
Một quả R-39 chứa 10 đầu đạn hạt nhân, mỗi đầu đạn có sức công phá 100 kiloton (tương đương 100.000 tấn thuốc nổ TNT) và có khả năng tấn công nhiều mục tiêu độc lập. Điều này làm tăng kích cỡ và khối lượng tên lửa, bù lại mỗi tàu ngầm lớp Akula mang tổng cộng 200 đầu đạn hạt nhân, nhiều hơn 8 đầu đạn so với lớp Ohio. Khi phóng 20 quả tên lửa này, tàu ngầm lớp Akula đủ sức xóa sổ bất cứ quốc gia nào trên thế giới.
Lý do để NATO gọi loại tàu ngầm này là lớp Typhoon "cuồng phong" không được rõ có thể do Leonid Brezhnev trong một bài diễn văn năm 1974 đã mô tả một loại tàu ngầm hạt nhân mới mang tên lửa đạn đạo là Typhoon. Về cơ bản đây là loại tàu ngầm có thể di chuyển xa để có thể triển khai các tên lửa đạn đạo gần biên giới của kẻ thù nhưng các tên lửa mà loại tàu ngầm này mang lại có tầm bắn xa đủ để xem là đã triển khai mặc dù vẫn đang neo tại cảng.
Liên Xô dự kiến đóng 8 tàu ngầm lớp Akula nhưng cuối cùng chỉ đóng 6 chiếc. Sau khi Liên Xô tan rã, hải quân Nga kế thừa cả 6 chiếc này. Ngày nay Nga chỉ còn duy nhất chiếc Dmitriy Donskoy trong biên chế, hai tàu khác đang được cân nhắc tháo dỡ để tập trung đóng thêm các tàu ngầm hạt nhân Đề án 955 Borei.
Trước đó, Moscow đã tháo dỡ ba tàu ngầm lớp Akula. Chiếc Dmitriy Donskoy đã được nâng cấp lên cấu hình Đề án 941UM, đóng vai trò là bệ phóng thử nghiệm cho tên lửa RSM-56 Bulava mới sắp hoàn thiện. Nhiều khả năng chiếc Dmitriy Donskoy sẽ bị loại biên sớm.