Vệ tinh khảo sát sự đi qua của ngoại hành tinh (TESS), là vệ tinh mới nhất của NASA sẽ tìm kiếm các ngoại hành tinh qua việc quan sát chúng chuyển động đi qua ngôi sao chủ.
Trong khi cuộc tìm kiếm các ngoại hành tinh xa xôi đang nóng lên từng ngày, vệ tinh mới của NASA sẽ chọn hướng đi riêng: tìm kiếm những ngoại hành tinh ở gần chúng ta. Khi hành tinh đi qua ngôi sao chủ, nó sẽ che bớt ánh sáng và ngôi sao sẽ ít sáng hơn, từ đó tiết lộ sự hiện diện của ngoại hành tinh. Vệ tinh dự kiến sẽ được phóng lên vào năm 2017 hoặc 2018, dự kiến xác định những ngoại hành tinh xoay quanh các ngôi sao sáng gần Mặt Trời.
TESS cũng sẽ dựa vào kích cỡ của ngoại hành tinh mà cho biết thời gian chúng hoàn thành một vòng quỹ đạo là bao lâu. Đây là hai thông tin quan trọng để xác định xem ngoại hành tinh có khả năng tồn tại sự sống hay không. Hầu như tất cả ngoại hành tinh được phân loại bằng việc theo dõi các quan sát, bởi nhóm các nhà khoa học làm việc tại mặt đất của dự án TESS và của Kính Viễn vọng Không gian James Webb sẽ được phóng lên vào năm 2018.
So với sứ mệnh Kepler, một sứ mệnh đã tìm kiếm những ngoại hành tinh cách xa từ vài ngàn đến vài chục ngàn năm ánh sáng trong khu vực chòm sao Cygnus, TESS sẽ tìm kiếm các ngoại hành tinh các chúng ta chỉ vài trăm năm ánh sáng hoặc gần hơn trong tất cả các hướng xung quanh hệ Mặt Trời.
Hình ảnh mô phỏng vệ tinh TESS quay quanh quỹ đạo Trái Đất.
TESS sẽ khảo sát bằng cách phân chia bầu trời thành 26 khu vực khác nhau. Máy ảnh mạnh mẽ của tàu sẽ hoạt động liên tục ở mỗi khu vực trong 27 ngày, đo đạc ánh sáng thấy được từ các mục tiêu sáng nhất mỗi hai phút. TESS sẽ nhìn vào những ngôi sao có độ sáng biểu kiến là 12 hoặc sáng hơn, thậm chí những ngôi sao có thể thấy được bằng mắt thường. Hầu hết chúng ta đều thấy được những ngôi sao có độ sáng biểu kiến đến mức 6 trong bầu trời tối, trong khi các ngôi sao mờ nhất của nhóm sao Bắc Đẩu có độ sáng biểu kiến là 3.
Trong số các ngôi sao mà TESS quan sát, những ngôi sao lùn là nơi thích hợp để xác định các ngoại hành tinh. Một trong những mục tiêu khoa học của TESS là tìm các hành tinh có kích cỡ bằng hoặc lớn hơn Trái Đất. Việc tìm kiếm các ngoại hành tinh nhỏ là rất khó khăn, vì chúng quá nhỏ bé so với ngôi sao chủ của nó. Nhưng TESS được thiết kế để tập trung tìm các ngoại hành tinh nhỏ, nên điều này sẽ trở nên dễ dàng hơn. Ánh sáng của ngôi sao bị hành tinh che khuất, sẽ tỷ lệ với kích cỡ của hành tinh.
Các nhà khoa học hy vọng TESS sẽ quan sát được ít nhất 200.000 ngôi sao trong hai năm sứ mệnh không gian của mình, từ đó dẫn tới việc phát hiện ra hàng ngàn ngoại hành tinh mới.
Trong khi mục tiêu chính của nhiệm vụ là tìm kiếm các ngoại hành tinh, TESS cũng sẽ thực hiện quan sát các đối tượng vật lý khác thông qua chương trình Guest Investigator (GI), bởi vì TESS sẽ khảo sát cả bầu trời nên nó có khả năng thực hiện được các nghiên cứu thú vị về nhiều loại thiên thể khác.
TESS sẽ tìm kiếm các ngoại hành tinh các chúng ta chỉ vài trăm năm ánh sáng hoặc gần hơn.
"Mục tiêu của chương trình GI là tối đa hóa số lượng khoa học mà TESS thực hiện được. Mặc dù TESS được thiết kế để quan sát sự đi qua của các ngoại hành tinh so với ngôi sao chủ, nhưng không có nghĩa là nó không thể làm được nhiều việc hơn so với việc chỉ săn tìm các hành tinh. Chúng tôi hy vọng cộng đồng khoa học trên thế giới sẽ lên nhiều ý tưởng làm việc hơn cho TESS", bà Padi Boyd, giám đốc chương trình GI tại Trung tâm Không gian Goddard của NASA cho biết.
Với tiềm năng mở rộng sự hiểu biết của chúng ta về vũ trụ trong những năm tới, các nhà nghiên cứu đang vui mừng về những khám phá mà hy vọng TESS sẽ đem lại.
"Điều thú vị về TESS là một ngày nào đó, tôi đi ra ngoài ngắm sao cùng con gái, chỉ lên một ngôi sao và nói rằng có một hành tinh đang xoay quanh ngôi sao đó", ông Stephen Rinehart tại dự án khoa học TESS cho biết.