Bộ đôi tàu vũ trụ Starship và tên lửa Super Heavy đổ bộ lên Mặt Trăng mang theo hàng hóa và các thiết bị khoa học.
Theo một tuyên bố của NASA hôm 18/11, SpaceX là một trong năm công ty, bên cạnh Blue Origin, Ceres Robotics, Sierra Nevada Corporation và Tyvak Nano-Satellite Systems, được lựa chọn để tham gia vào chương trình Dịch vụ Tải trọng Mặt Trăng Thương mại (CLPS) dự kiến khởi động vào năm 2022. Các công ty sẽ cạnh tranh nhau chế tạo tên lửa đẩy và tàu đổ bộ với nhiệm vụ chở hàng hóa và thiết bị khoa học lên Mặt Trăng.
Đồ họa mô phỏng tàu đổ bộ Starship trên bề mặt Mặt Trăng. (Ảnh: SpaceX).
SpaceX đề xuất thực hiện công việc trên với bộ đôi tàu vũ trụ Starship và tên lửa đẩy tái sử dụng Super Heavy. Đây là hệ thống phóng mạnh mẽ và tiên tiến nhất của công ty, vốn được thiết kế cho tham vọng đưa con người lần đầu tiên đặt chân lên sao Hỏa.
Bộ đôi của SpaceX khi kết hợp sẽ cao 118m và rộng hơn 50% so với thân máy bay phản lực cỡ lớn Boeing 747. Tàu đổ bộ Starship có khả năng mang tới 110 tấn tải trọng tới Mặt Trăng trong mỗi chuyến bay, gấp nhiều lần so với yêu cầu của NASA.
"CLPS là một sứ mệnh tuyệt vời mà chúng tôi muốn thực hiện với Starship", Chủ tịch và Giám đốc điều hành của SpaceX Gwynne Shotwell nhấn mạnh. "Công ty đặt mục tiêu có thể đưa tàu đổ bộ này hạ cánh xuống Mặt Trăng vào năm 2022".
Blue Origin được xem là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của SpaceX khi tàu đổ bộ Blue Moon của họ cũng có thể mang hàng tấn tải trọng trong mỗi chuyến bay. Brent Sherwood, Phó chủ tịch cấp cao của các chương trình phát triển tiên tiến của Blue Origin, hôm thứ Hai cho biết con tàu thiết kế có thể ở lại hai tuần trên Mặt Trăng và phóng lên bằng tên lửa đẩy New Glenn của công ty.
NASA xem CLPS như dự án hỗ trợ chính cho chương trình thám hiểm Artemis, nhằm mục đích đưa hai phi hành gia, bao gồm người phụ nữ đầu tiên lên Mặt Trăng vào năm 2024. Bên cạnh 5 công ty cạnh tranh chế tạo tàu đổ bộ, 9 công ty khác được NASA lựa chọn vào tháng 11 năm ngoái cũng sẽ tham gia cung cấp thiết bị khoa học và hàng hóa cho chương trình CLPS.