Tàu thám hiểm tìm thấy "mắt quỷ" đáng sợ trên sao Hỏa

  •  
  • 427

Miệng núi lửa mới được phát hiện cho thấy thành phần địa chất trên bề mặt sao Hỏa rất phức tạp và đa dạng.

Tàu thám hiểm Mars Express của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) mới đây đã chụp được những tấm ảnh trên bề mặt sao Hỏa, cho thấy một miệng núi lửa khổng lồ với ngoại hình vô cùng đáng sợ, trông tựa như con mắt khổng lồ.

"Mắt quỷ" được tìm thấy trên bề mặt sao Hỏa
"Mắt quỷ" được tìm thấy trên bề mặt sao Hỏa. (Ảnh: ESA).

Theo ước tính, miệng núi lửa có đường kính khoảng 30km, nằm trong một khu vực được gọi là Aonia Terra, ở bán cầu nam của sao Hỏa.

Các nhà khoa học địa chất cho rằng những khu vực như Aonia Terra cũng có thể tiết lộ bí ẩn về thành phần bên trong của sao Hỏa. Theo họ, một tác động đủ mạnh có thể sẽ làm xuất hiện những vật chất bị ẩn sâu bên dưới bề mặt hành tinh này, cũng như góp phần tạo ra các thành phần và địa chất bề mặt mới.

Điển hình như miệng núi lửa mới được phát hiện cho thấy rằng thành phần bề mặt ở đây rất phức tạp và đa dạng.

Miệng núi lửa không tên nằm trên dạng địa hình có nhiều rãnh sâu, kéo dài xung quanh. Các nhà khoa học phỏng đoán chúng có thể được hình thành từ vô số dòng sông nhỏ trên bề mặt sao Hỏa từ hàng tỷ năm trước.

Bên dưới những dòng chảy này, dấu vết của vật liệu sẫm màu hơn có thể được quan sát thấy. Một số trong số chúng thậm chí còn nổi lên trên bề mặt, có lẽ là dấu tích của các vật liệu chống xói mòn từng lắng xuống lòng sông khô cạn và vẫn còn lại cho tới ngày nay.

Ở trung tâm miệng núi lửa, cũng có thể thấy những vật chất tối màu hơn, tồn tại dưới dạng một đụn cát gợn sóng.

Miệng núi lửa vô danh từ một góc nhìn khác.
Miệng núi lửa vô danh từ một góc nhìn khác. (Ảnh: ESA).

Mặc dù gây ấn tượng mạnh về mặt nhãn quan, song nó vẫn nhỏ hơn khá nhiều so với những miệng núi lửa khác trên sao Hỏa, điển hình như miệng núi lửa Lowell với đường kính xấp xỉ 200 km.

Theo Science Alert, Lowell và nhiều miệng núi lửa khác trong khu vực, được cho là đã hình thành do những tác động địa chất cách đây khoảng 4 tỷ năm, trong một thời kỳ mà Hệ Mặt trời thủa sơ khai còn hoạt động cực kỳ dữ dội, hay còn được gọi là "vụ ném bom hạng nặng". 

Trên thực tế, ở Trái đất cũng từng xảy ra một quá trình tương tự, và đây chính là tiền đề cho quá trình "gieo mầm" của hành tinh Xanh, giúp tạo ra nước và các hợp chất hữu cơ cần thiết cho sự sống.

Tuy nhiên đối với sao Hỏa - một hành tinh vốn dĩ cằn cỗi và yên tĩnh hơn nhiều so với trên Trái Đất, thì quá trình biến đổi để tạo nên sự sống chắc chắn đã gặp một trở ngại nào đó, hoặc có thứ gì đã xóa sổ tất cả. Đây là điều mà các nhà khoa học đang nỗ lực để làm sáng tỏ.

Cập nhật: 15/06/2022 Dân Trí
  • 427