Tàu vũ trụ bị mất liên lạc do sơ suất của NASA bắt đầu truyền dữ liệu trở lại Trái đất từ hôm 4/8.
Tàu vũ trụ Voyager 2 tái thiết lập liên lạc với Trái đất và hoạt động bình thường. Nhiệm vụ lâu năm Voyager 2 của NASA phóng từ Trái đất vào năm 1977 và hiện nay đang ở cách Trái đất 19,9 tỷ km. Con tàu mất liên lạc với NASA sau khi một loạt câu lệnh tình cờ khiến ăngten của Voyager 2 chệch 2 độ khỏi Trái đất hôm 21/7, theo Live Science.
Tàu Voyager 2 tiến vào không gian liên sao. (Ảnh: NASA/JPL-Caltech).
Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA hôm 1/8 thu được tín hiệu "nhịp tim" từ tàu, nhờ đó các chuyên viên điều khiển nhiệm vụ biết tàu thăm dò vẫn hoạt động tốt dù không thể liên lạc đầy đủ với nó. Tàu Voyager 2 được lập trình để tự chỉnh hướng vài lần một năm trong trường hợp gặp rắc rối lần tiếp theo sẽ rơi vào tháng 10 năm nay.
Hôm 4/8, JPL thông báo cơ sở Mạng lưới Không gian sâu của NASA ở Canberra, Australia, có thể gửi lệnh vào không gian liên sao, giúp chỉnh lại hướng của tàu vũ trụ và chĩa ăngten của nó về phía Trái đất. Chuyên viên điều khiển nhiệm vụ phải chờ 37 giờ để xác định câu lệnh thành công. Theo JPL, tàu vũ trụ bắt đầu truyền về dữ liệu khoa học và viễn trắc, chứng tỏ nó hoạt động bình thường và vẫn theo lộ trình dự kiến.
Tàu Voyager 2 bay vào không gian từ Tổ hợp phóng 41 ở Cape Canaveral, Florida, hôm 20/8/1977. Sau khi lướt qua 4 hành tinh khí khổng lồ của hệ Mặt Tời từ thập niên 1970 đến 1990, tàu tiến vào không gian liên sao hôm 10/12/2018. Phiên bản song sinh của nó là tàu Voyager 1 cũng vẫn hoạt động, bay cách Trái đất 24 tỷ km. Voyager 1 là vật thể đầu tiên thoát khỏi ảnh hưởng lực hấp dẫn của Mặt Trời năm 2012.
Hai tàu đang mất dần điện từ máy phát điện đồng vị phóng xạ, nhưng các kỹ sư đã tiến hành vài điều chỉnh để bảo tồn hệ thống. Thiết bị sưởi ngừng hoạt động và hồi tháng 4/2023, họ ngắt ổn áp trên tàu Voyager 2. Những biện pháp này cho phép nguồn cung cấp điện của tàu duy trì lâu hơn. Nhờ đó, việc thu thập dữ liệu có thể kéo dài ít nhất đến năm 2026.