Nhờ động cơ sử dụng lò phản ứng hạt nhân, tên lửa plasma của Ad Astra có thể bay tới sao Hỏa trong một tháng tốc độ 198.000km/h.
Công ty tên lửa Ad Astra ở Costa Rica và Mỹ thông báo hoàn thành thử nghiệm độ bền ở công suất cao trong tổng thời gian 88 giờ với tên lửa plasma Vasimr VX-200SS trong tháng 7 vừa qua. Thử nghiệm tiến hành tại phòng thí nghiệm của công ty gần Houston, Texas. "Thử nghiệm này là một thành công quan trọng, thành quả sau nhiều năm mày mò và chú tâm tới từng chi tiết", Franklin R. Chang Díaz, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Ad Astra, cựu phi hành gia NASA từng tham gia 7 nhiệm vụ với 1.601 giờ bay trong không gian.
Thiết kế của tên lửa Vasimr. (Ảnh: Ad Astra)
Tên lửa Variable Specific Impulse Magnetoplasma Rocket (Vasimr) được thiết kế để bay bằng động cơ sử dụng lò phản ứng hạt nhân làm nóng plasma tới 2 triệu độ. Sau đó, thông qua từ trường, khí nóng thoát ra từ phía sau động cơ giúp tạo ra lực đẩy, có thể đạt tốc độ lên tới 197.950km/h.
Mục tiêu của Ad Astra là giúp chuyến bay vũ trụ trở nên nhanh và an toàn hơn dù tên lửa Vasimr đưa lò phản ứng hạt nhân bay qua không gian ở tốc độ siêu nhanh. Sau khi lên tới quỹ đạo nhờ tên lửa đẩy hóa học, động cơ plasma của Vasimr sẽ hoạt động, tăng cường đáng kể độ an toàn cho phi hành đoàn.
NASA ước tính tên lửa hóa học cần 7 tháng để chở người tới sao Hỏa. Trong thời gian đó, bất kỳ sự cố nào đều có thể xảy ra. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2010 với tạp chí Popular Science, Díaz nhận định tên lửa hóa học không thể chở người tới sao Hỏa bởi hành trình quá dài.
Tên lửa thông thường phải sử dụng toàn bộ nguồn cung cấp nhiên liệu trong vụ nổ có kiểm soát khi phóng trước khi tự đẩy tới sao Hỏa. Do không có quy trình hủy bay, phương tiện không thể thay đổi lộ trình. Nếu gặp sự cố, ban kiểm soát nhiệm vụ mất 10 phút để chờ tín hiệu truyền tới, do đó không thể kịp thời xử lý tình huống.
Ngược lại, tên lửa plasma Vasimr của Ad Astra sẽ duy trì lực đẩy trong suốt hành trình tới hành tinh đỏ. Phương tiện sẽ tăng tốc dần cho tới khi đạt tốc độ tối đa 54 km/s vào ngày thứ 23, nhanh gấp 4 lần tên lửa hóa học hiện nay. Nhờ đó, thời gian di chuyển từ Trái Đất tới sao Hỏa sẽ giảm từ 7 tháng xuống một tháng. Do động cơ plasma có thể cung cấp lực đẩy bất cứ lúc nào, tên lửa có thể thay đổi lộ trình khi cần.
Sau thử nghiệm độ bền thành công, Ad Astra sẽ tiến hành một loạt điều chỉnh mới với động cơ và tiến tới kiểm tra trạng thái ổn định nhiệt của cỗ máy vào nửa cuối năm 2021.