Tên trộm mộ khét tiếng: Cả gan bật nắp quan tài Từ Hi Thái hậu, càn quét lăng Càn Long

  •   52
  • 11.945

Cái tên Tôn Điện Anh gắn liền với những hành động càn quét bên trong lăng mộ Từ Hi Thái hậu và Hoàng đế Càn Long.

Năm Quảng Hưng thứ 34 của triều đại nhà Thanh, tức năm 1908, Từ Hi Thái hậu qua đời, bà được tổ chức tang lễ trọng vọng hao phí hàng triệu vạn lượng bạc, chôn trong quan tài gỗ trinh nam và đặt thêm đồ bồi táng công phu.

Người phụ nữ quyền lực nhất nhà Thanh không thể ngờ rằng những báu vật mình đã dày công sưu tầm cả cuộc đời cuối cùng lại trở thành món hời cho một tên mộ tặc ngang ngược, kẻ sau này còn dám cho nổ tung lăng mộ vua Càn Long và làm nhiều chuyện tày đình khác.

Tay trộm mộ khét tiếng đó chính là lãnh chúa quân phiệt Tôn Điện Anh.

Thời thế tạo... mộ tặc


Tôn Điện Anh là tên mộ tặc khét tiếng dám xâm phạm Thanh Đông lăng. (Ảnh: Sogou).

Tôn Điện Anh (1889 - 1947) có tên thật là Khôi Nguyên, sinh ra trong một gia đình nghèo tại tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc. Người ta quen gọi y là Tôn Ma tử - Tôn "mặt rỗ", do thuở nhỏ bị bệnh đậu mùa, mặt có nhiều vết sẹo rỗ.

Tôn mất cha từ nhỏ, được mẹ nuông chiều nên tính tình ngang ngược. Năm lên 7 tuổi, Tôn thường xuyên đánh nhau với bạn bè trên trường, khi bị phạt còn phóng hỏa đốt trường nên bị đuổi học.

Ở tuổi thiếu niên, y sớm qua lại với nhưng kẻ giang hồ trong vùng. Tôn rất ham mê những trò đỏ đen, lại thành thạo những mánh cờ bạc bịp nên sớm trở thành con bạc có tiếng.

Bằng những mối quan hệ trên xới bạc, Tôn được gia nhập một hội tôn giáo trá hình chuyên buôn bán thuốc phiện và dần dần lên lãnh đạo hội này.

Năm 1922, Tôn Điện Anh bị bắt truy bắt vì tội buôn bán thuốc phiện, phải chạy trốn đến Thiểm Tây. Là kẻ khôn khéo, mưu mô, Tôn lại một lần nữa nhờ cậy những mối quan hệ của mình: Lần này hắn thoát hẳn ra khỏi con đường cũ để trở thành một... quân nhân.

Ban đầu, Tôn được chỉ nhận làm vị trí phụ tá nhỏ trong quân đội, nhưng chẳng bao lâu sau, y được cất nhắc lên sĩ quan, tới năm 1925 đã trở thành tư lệnh một quân đoàn dưới trướng Tưởng Giới Thạch.

Năm 1928, các lãnh chúa quân phiệt hỗn chiến, dân chúng bần hàn, quốc khố hao hụt nặng nề. Quân đoàn của Tôn Điện Anh vốn chỉ là quân tạp, không phải quân đội chính quy của Quốc dân đảng nên không được quan tâm, quân lương bị khấu trừ vô kể.

Sĩ quan binh lính dưới trướng Tôn đã nửa năm không được trả lương, tinh thần rệu rã, nếu không được cấp phát lương e rằng có nhiều người đào ngũ, thấm chí có nguy cơ binh biến.


Chân dung lãnh chúa quân phiệt Tôn Điện Anh. (Ảnh: QQ).

Tình thế ngặt nghèo này buộc Tôn Điện Anh phải vắt óc suy nghĩ tìm lấp đầy ngân khố, vừa hay binh lính của Tôn đang đóng quân tại Tuân Hóa, tỉnh Hà Bắc, kế cận Thanh Đông lăng - quần thể lăng mộ hoàng gia nhà Thanh.

Một tên bất hảo "không sợ trời không sợ đất" như Tôn Điện Anh bỗng nảy ra ý định đào trộm mộ để cướp kho báu.

Theo Baike, Thanh Đông lăng là nơi chôn cất của 5 vị hoàng đế Thuận Trị, Khang Hi, Càn Long, Hàm Phong, Đồng Trị cùng 15 hoàng hậu, 136 phi tần, 3 hoàng tử và 2 công chúa triều đại nhà Thanh.

Quần thể lăng được bảo vệ nghiêm ngặt bởi một tổ lính canh cùng đội quản lý lăng túc trực liên tục kể từ khi xây dựng.


Thanh Đông Lăng có tổng diện tích 78km vuông. (Ảnh: Sina)·

Tuy nhiên, kể từ năm 1914, do ngân sách công eo hẹp, những người làm nhiệm vụ bảo vệ lăng không còn được trả lương nữa. Họ chuyển sang khai hoang và canh tác ngay trên khu đất của Thanh Đông lăng để giải quyết vấn đề kinh tế trước mắt.

Hệ thống bảo vệ ngày càng lỏng lẻo, thời cơ của mộ tặc đã tới.

Tháng 7/1928, Tôn Điện Anh lấy cớ diễn tập quân sự, dẫn quân vào Thanh Đông lăng, mục đích thực chất là cướp bảo vật trong lăng Càn Long và Từ Hi Thái hậu.

Bật nắp quan tài Từ Hi Thái hậu

Từ Hi Thái hậu là người nắm hết quyền lực vào cuối triều đại nhà Thanh, bà sở hữu vô số tài sản trong ngân khố. Ngay cả khi chính quyền nhà Thanh mất rất nhiều tiền vì thất trận, đám tang của Từ Hi Thái hậu vẫn được tổ chức trọng vọng còn lăng mộ của lão Phật gia thì bạt ngàn những tượng Phật vàng, đồ ngọc, san hô, đá quý các loại.

Để tìm được lối vào lăng mộ đầy kho báu này, Tôn Điện Anh đã tìm đến một người thợ đá già ở địa phương - người này trước kia từng tham gia xây dựng lăng nên hiểu rất rõ vị trí sắp đặt bên trong.

Lúc đầu người thợ đá cũng không dám khai ra vì sợ phạm trọng tội nhưng Tôn dọa sẽ hại chết người con trai duy nhất của ông nên người thợ đá già đành tuân theo.


Khi mới mở nắp quan tài, thi thể Từ Hi Thái hậu vẫn còn nguyên vẹn, chưa có dấu hiệu phân hủy. (Sohu)·

Cửa vào Đông lăng được bít bằng nhiều tầng đá hoa cương chắc chắn, lại dùng thêm vữa gạo nếp nên đội công binh mất cả ngày vẫn không cách nào mở được đường. Tôn thấy vậy vô cùng tức giận, giữa đêm khuya, hắn ra lệnh lấy thuốc nổ cho nổ tung lăng mộ Thái hậu.

Lối đi đã được mở bằng thuốc nổ, quân lính ùn ùn kéo vào, vơ vét sạch những món đồ giá trị trong lăng. Sau khi lấy sạch châu báu bên ngoài, những kẻ mộ tặc bắt đầu chuyển sự chú ý sang chiếc quan tài của Thái hậu.

Binh lính của Tôn Điện Anh đã dùng búa, nạy bật tung nắp quan tài, lấy những món bảo vật như chăn gấm nạm ngọc trai, mũ phượng... ngay cả viên dạ minh châu Thái hậu đang ngậm chặt trong miệng cũng bị chúng cạy ra.


Thi thể Từ Hi Thái hậu sau đó chỉ còn là "một cái xác khô". (Ảnh: Sohu)

Sau cùng, Tôn Điện Anh còn thô bạo ném thi thể Thái hậu sang một bên, lấy đi cả chiếc áo tang dệt vàng của bà.

Theo trang Sohu, hơn một tháng sau vụ trộm, các điều tra viên đã đến Đông lăng để kiểm tra hiện trường thì phát hiện thi thể Từ Hi Thái hậu nằm chỏng trơ trên nắp quan tài, toàn thân mốc meo, chỉ còn mặt một chiếc quần dài.

Để lấy viên ngọc trong miệng lão Phật gia, Tôn thậm chí đã sai người dùng lưỡi lê cắt khóe miệng bà.

Thi thể Từ Hi Thái hậu vốn đang được bảo quản trong điều kiện cực tốt suốt 20 năm, nay lại bị hư hỏng nghiêm trọng, chỉ còn là một cái xác khô quắt không rõ hình hài.

Càn quét lăng Càn Long

So sánh với kho báu trong lăng Từ Hi Thái hậu thì Thanh Dụ lăng của Hoàng đế Càn Long còn quý giá hơn nhiều.

Để đột nhập được vào trong lăng, đám công binh của Tôn Điện Anh đã dùng đủ thứ vũ khí sắc nhọn như cuốc, búa để phá cổng đá, nhưng hiệu quả vẫn không đáng kể. Tôn bèn ra lệnh cho quân lên núi đốn hạ những cây tùng, cây bách cổ thu; mười mấy tên lính tránh trẻ khỏe ôm thân cây tùng mà lao thẳng vào cổng đá.

Để qua được hết các lớp cổng chắc chắn tiếp theo, Tôn Điện Anh lại một lần nữa dùng đến thuốc nổ, cho nổ tung một góc lăng.


Quan tài và hài cốt của vua Càn Long bị hủy hoại nghiêm trọng. (Ảnh: Sohu)

Lần này, mạnh nước ngầm trong lăng đã bị vỡ, gây ngập lụt nghiêm trọng; hài cốt nhà vua, các phi tần cùng đồ bồi táng trôi nổi trong biển nước. Những tên mộ tặc lao vào cướp sạch những đồ bằng vàng, bạc, ngọc có giá trị, bao gồm cả thanh Cửu Long bảo kiếm quý giá của Càn Long.

Càn Long nổi tiếng là vị vua văn hay chữ tốt, lại am hiểu nghệ thuật nên lăng mộ ông chôn theo rất nhiều bức thư pháp, tranh cổ.

Những kẻ mộ tặc vô tri không hiểu được giá trị của bảo vật đã vứt bỏ, giẫm đạp lên các tác phẩm này. Kết quả là kho báu nghệ thuật mà Càn Long dày công sưu tầm cả cuộc đời lại trở về con số không.

Đến khi những người bảo vệ lăng có mặt tại hiện trường, Dụ lăng đã chỉ còn là một bãi lầy hỗn độn. Cuốn "Tổng hợp Đông lăng tặc án" có ghi: "Một mảnh xương sườn, hai xương bàn chân. một xương đầu gối đã được tìm thấy bên ngoài lăng."

Xương cốt của Càn Long và các phi tần của ông đã không còn nguyên vẹn, nằm rải rác khắp nơi. Những mảnh hài cốt tìm thấy còn trong tình trạng mục ruỗng nghiêm trọng vì ngâm nước.

Khi vua Phổ Nghi ở Thiên Tân nghe được tin mồ mả tổ tiên bị cướp bóc đã tức giận đến rơi nước mắt, ông hứa sẽ đích thân trừng trị tên họ Tôn vô lại.

Trước sức ép của xã hội, Tôn Điện Anh nhanh chóng đem những cổ vật đi hối lộ hoặc tẩu tán với mức giá bèo bọt, nhiều di vật đã bị thất lạc ở nước ngoài hiện vẫn chưa rõ tung tích.

Theo trang Sohu, giá trị ước tính của những cổ vật bị Tôn Điện Anh cướp từ Thanh Đông lăng năm 1928 có thể lên tới 100 triệu nhân dân tệ.

Tuy nhiên, sau khi phạm những tội trạng tày đình, Tôn Điện Anh vẫn sống bình an vô sự mãi đến năm 1947 khi y tham gia Chiến tranh Trung - Nhật lần thứ 2 rồi bị bắt và chết trong một trại tù binh chiến tranh.

Cập nhật: 05/11/2020 Theo Pháp luật & Bạn đọc
  • 52
  • 11.945