Báo cáo Rủi ro khí hậu toàn cầu (GCR) năm 2013 cho biết, Philippines đứng thứ 5 trong hơn 100 quốc gia được nghiên cứu về mức độ dễ bị tổn thương với biến đổi khí hậu trong năm 2011. Thái Lan đứng đầu trong bảng xếp hạng này, tiếp theo là Campuchia, Pakistan và El Salvador.
Nghiên cứu trên do tổ chức môi trường Đức Germanwatch thực hiện, xác định các quốc gia bị ảnh hưởng dựa trên các sự kiện liên quan đến thời tiết như bão, lũ lụt và các đợt nóng nắng.
Trong năm 2011, gần 1.660 người Philippine đã thiệt mạng do các sự kiện thời tiết. Ngoài sự mất mát về người, Philippines còn phải chịu thiệt hại hơn 1 tỷ USD về tài sản và cây trồng.
Thảm họa tồi tệ nhất mà Philippines phải hứng chịu là cơn bão "Sendong" (tên quốc tế là "Washi") đã đổ bộ vào đảo Mindanao ngày 17/12/2011, làm hơn 1.600 người thiệt mạng.
Báo cáo GCR cũng cho biết, Honduras, Myanmar và Nicaragua là những nước chịu ảnh hưởng thiên tai nặng nề nhất trong khoảng thời gian 20 năm. Tiếp theo là Bangladesh, Haiti và Việt Nam. Philippines đứng thứ 14 trong khoảng thời gian này.
GCR ước tính rằng trong giai đoạn 1992-2011, gần 15.000 sự kiện thời tiết khắc nghiệt đã cướp đi sinh mạng của hơn 530.000 người trên toàn cầu và gây thiệt hại khoảng 2.500 tỷ USD.
Báo cáo cũng tái khẳng định các quốc gia kém phát triển thường bị ảnh hưởng nhiều hơn là các quốc gia phát triển và Chỉ số rủi ro khí hậu (CRI) là một tín hiệu cảnh báo cho thấy tình trạng dễ bị tổn thương từ tác động của biến đổi khí hậu có thể gia tăng ở những khu vực nơi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt xảy ra thường xuyên hoặc khốc liệt hơn.