Theo ThS.BS Đặng Lê Dung Hạnh, thai ngoài tử cung xuất hiện với tỷ lệ từ 1 - 2% trong tổng số những trường hợp mang thai. Riêng tại BV Hùng Vương, tỷ lệ này lên đến hơn 2,5%. Nguyên nhân khiến cho người mắc bệnh thai ngoài tử cung ngày càng gia tăng, là do tình trạng viêm nhiễm sinh dục và nạo phá thai ngày càng nhiều.
Nạo phá thai: Viêm tắc vòi trứng
Tử cung hay còn gọi là dạ con, là cơ quan sinh sản của người phụ nữ. Khi mang thai, bào thai sẽ phát triển tại đó. Vì một lý do nào đó, vòi trứng bị tắc hoặc hẹp, hoặc do trứng di chuyển chậm hơn bình thường, trứng đã thụ tinh sẽ nằm lại bên ngoài tử cung và phát triển tại đó, dẫn đến tình trạng thai nằm ngoài tử cung.
|
Vì một lý do nào đó, vòi trứng bị tắc hoặc hẹp, hoặc do trứng di chuyển chậm, trứng sẽ nằm lại và phát triển thành thai bên ngoài tử cung. (Ảnh: VNN) |
Thai ngoài tử cung có thể gặp ở nhiều vị trí khác nhau như ở vòi trứng (thường gặp nhất), hoặc bám phía trên buồng trứng, thậm chí nằm trong ổ bụng hay nằm tại cổ tử cung. Trong đó, thai ngoài tử cung ở vị trí ngay chỗ nối giữa vòi trứng và tử cung là nguy hiểm nhất vì khó chẩn đoán được sớm. Khi thai vỡ sẽ gây mất máu nhiều và nhanh, ảnh hưởng đến khả năng có thai sau này.
Viêm nhiễm sinh dục sẽ làm tắc, hẹp vòi trứng và dễ gây ra thai ngoài tử cung. Tình trạng viêm nhiễm thường dễ xuất hiện và phát triển âm thầm sau nạo phá thai.
Vòi trứng cũng có thể tắc hay hẹp do bẩm sinh hoặc do can thiệp trước đó trên vòi trứng. Những lần mổ ở vùng bụng cũng có thể gây viêm dính bên trong hay bên ngoài vòi trứng và làm thay đổi hướng đi của vòi trứng. Do đó, vòi trứng có thể bị kéo dài, bị gập góc...
Trễ kinh, đau bụng, và chảy máu âm đạo là 3 dấu hiệu thường gặp nhất ở người phụ nữ có tình trạng thai ngoài tử cung.
Chảy máu âm đạo xuất hiện muộn do khi thai phát triển trong vòi trứng có thể gây rạn nứt. Lượng máu thường ít, có màu đen sậm và kéo dài. Nhiều khi, chảy máu xuất hiện gần với ngày có kinh (theo chu kỳ), làm cho người bệnh lầm tưởng là mình đang có kinh, hay đang bị rong kinh, và đến bệnh viện để điều trị các bệnh này.
Thai ngoài tử cung có thể lầm với các bệnh: - Rong kinh hay rối loạn kinh nguyệt - Có thai ở giai đoạn sớm: Cũng có thể bị ra máu và đau ít hay trằn nặng vùng bụng dưới - Đe doạ sẩy thai: Cũng có tình trạng đau bụng và chảy máu âm đạo - Thai hư (thai chết lưu) ở giai đoạn sớm sẽ có tình trạng ra máu dây dưa kéo dài., khi sắp bị sẩy thai tự nhiên cũng có đau bụng. |
Đau bụng thường do tình trạng căng dãn của vòi trứng, đau bụng âm ỉ ở một bên vùng bụng dưới rốn. Cơn đau có thể tạm thời giảm khi dùng thuốc giảm đau, nhưng sẽ đau trở lại sau khi thuốc giảm đau hết tác dụng.
Khi có tình trạng vỡ vòi trứng, người bệnh sẽ đau dữ dội, da xanh xao và cảm giác mệt lả người. Tình trạng này sẽ ngày càng trầm trọng do máu chảy nhiều trong ổ bụng và không thể tự cầm được, có thể dẫn đến tử vong.
Điều trị: Lấy đi khối thai Khối thai nằm ngoài tử cung khó phát triển thành thai bình thường, đủ ngày đủ tháng vì không được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ. Khối thai sẽ vỡ ra và chảy máu, thời điểm sớm hay muộn tuỳ thuộc vào vị trí của khối thai. Nguyên tắc điều trị là phải lấy đi khối thai, hoặc làm khối thai không tiếp tục phát triển sai vị trí và tự tiêu biến đi.
Phẫu thuật là cách điều trị chủ yếu từ trước tới nay, gồm mổ bụng hở và mổ qua nội soi. Trong thời gian gần đây, nội soi đã được áp dụng khá rộng rãi. Phẫu thuật nội soi là mở một vài lỗ nhỏ ở thành bụng, đưa dụng cụ phẫu thuật vào và qua các dụng cụ này thực hiện các thao tác để lấy khối thai.
Tuy phẫu thuật nội soi đòi hỏi nhiều điều kiện về kỹ thuật, trang bị..., nhưng so với mổ hở, bệnh nhân ít bị dính vùng bụng sau mổ hơn. Khi khối thai đã vỡ, hay có quá nhiều máu trong ổ bụng, nội soi không thể tiến hành được mà buộc phải mổ hở.
Ngoài ra, điều trị nội khoa được chỉ định khi thai ngoài tử cung chưa vỡ, kích thước 3cm, tim thai chưa hoạt động. người ta có thể dùng một chất gây độc tế bào tiêm vào cơ thể hay khối thai, mục đích làm chết các tế bào của khối thai.
Chất hiện đang được sử dụng là Methotrexate, là một chất cạnh tranh với acid folic, thành phần quan trọng trong chu trình làm việc và tăng trưởng của tế bào. Tại Mỹ, từ những năm 1950, thuốc đã được dùng trong điều trị ung thư và cho đến năm 1980, dùng để điều trị thai ngoài tử cung.
|
Sản phụ nên đi khám thai sớm khi bị đau bụng hay ra máu bất thường vào giai đoạn sớm của thai kỳ. Ảnh minh họa (Ảnh: health.state.pa.us) |
Thuốc có thể được chích vào bắp cơ một lần duy nhất hay nhiều lần, hoặc chích thẳng vào khối thai. Sau khi tiêm thuốc, bệnh nhân được theo dõi từ 3-4 tuần, kéo dài hơn so với điều trị phẫu thuật.
Sau khi điều trị thai ngoài tử cung, người bệnh vẫn có thể có thai lại bình thường. Tuy nhiên, nguy cơ thai ngoài tử cung tái phát có thể trên 10%. Tuy nhiên, nếu do bị viêm nhiễm gây tắc hẹp vòi trứng thì khả năng tái phát còn cao hơn.
Thai ngoài tử cung tái phát có thể lặp lại trên vòi trứng còn lại, trên chỗ mở của vòi trứng lần trước (nếu lần mổ trước người ta cố gắng giữ lại vòi trứng) hay trên mỏm cụt của vòi trứng đã cắt.
Phòng ngừa thai ngoài tử cung Theo ThS.BS Dung Hạnh, để phòng ngừa thai ngoài tử cung, phụ nữ nên hạn chế nạo phá thai; sử dụng các biện pháp phòng tránh thai; giữ gìn vệ sinh kinh nguyệt tốt, nhất là trong thời gian sau sanh và cho con bú.
"Khi có viêm nhiễm sinh dục, người bệnh nên đi khám để được điều trị đầy đủ. Khám phụ khoa định kỳ và khám phụ khoa ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ viêm sinh dục để được điều trị thích hợp, tránh di chứng viêm dính tắc vòi trứng, nguy hại cho khả năng sinh sản về sau," BS. Dung Hạnh nói.
Sản phụ nên đi khám thai sớm khi bị đau bụng hay ra máu thất thường vào giai đoạn sớm của thai kỳ. Đặc biệt là những sản phụ đã từng bị thai ngoài tử vung hay có tình trạng viêm nhiễm sinh dục trước đó.
Việc phát hiện sớm khi thai ngoài tử cung chưa vỡ sẽ giúp bệnh nhân giảm được tình trạng mất máu do thai vỡ, giảm nguy cơ bị choáng và tử vong, gia tăng khả năng giữ lại được vòi trứng nhằm duy trì khả năng có thai lại bình thường.
Hương Cát