Theo một nghiên cứu mới được công bố, giống như thanh thiếu niên ngày nay, khủng long con cũng thường tụ tập với nhau. Và tương tự, chúng cũng tụ tập ở những nơi mà chúng không nên đến.
Nhóm các nhà cổ sinh học tiến hành khai quật sa mạc Gobi tại miền tây Mông Cổ đã phát hiện bằng chứng về một đàn khủng long giống chim bỏ mạng khi chúng bị lún trong bùn bên rìa hồ cách đây 90 triệu năm.
Cái chết bất ngờ của đàn khủng long trong bẫy bùn cung cấp bằng chứng hiếm có về tập tính xã hội của khủng long. Bao gồm hoàn toàn là những con khủng long còn nhỏ của cùng một loài khủng long ornithomimid (Sinornithomimus dongi). Đàn khủng long cho thấy các cá thể chưa trưởng thành buộc phải tự lo cho bản thân mình khi những con trưởng thành bận rộn với công việc xây tổ hay đẻ trứng.
Nhà cổ sinh vật học Paul Sereno thuộc đại học Chicago cho biết: “Trong số này không hề có con nào mới nở hay đã trưởng thành”.
Nằm trong bộ xương đã được chuẩn bị sẵn cho kế hoạch trưng bày tại phòng thí nghiệm của Serono và được vận chuyển trở lại Trung Quốc vào cuối tháng hai là dạ dày hóa đá và bữa ăn cuối cùng của những con khủng long được gìn giữ.
Sinornithomimus và các loài khủng long ornithomimid khác thuộc nhóm khủng long theropod, nhóm này bao gồm tyranosaur. Không giống hầu hết các con theropod khác, khủng long ornithomimid là loài ăn cỏ. Chúng cũng khá nhỏ, có mắt lớn, chạy rất nhanh giống như loài đà điểu.
Sự kiện bầy khủng long bị lún bùn hiếm thấy
Sereno, Tan Lin thuộc Khoa Đất và Tài nguyên Nội Mông Cổ, và Zhao Xijin – giáo sư tại Học viện Bắc Kinh, Trung Quốc, đã chỉ đạo cuộc thám hiểm tìm kiếm hóa thạch vào năm 2001. Các thành viên của nhóm cũng bao gồm nhà cổ sinh vật học David Varricchio thuộc Đại học Montana (MSU), Jeffrey Wilson thuộc Đại học Michigan và Gabrielle Lyon thuộc Dự án thám hiểm. Phát hiện này được công bố chi tiết trên số ra tháng 12 năm 2008, tờ Acta Palaeontologica Polonica, cuộc khai quật được Hội địa lý quốc gia, Quỹ David và Lucile Packard tài trợ.
Varricchio cho biết: “Phát hiện ra đàn khủng long bị sập bẫy bùn cực kì hiếm thấy ở các loài động vật đang tồn tại. Ví dụ điển hình nhất là những loài động vật có vú móng guốc” ví dụ như trâu nước ở Australia hay ngựa hoang ở Tây Mỹ.
Khi tới gần cái hồ mà ngày nay trở thành sa mạc Gobi tại Mông Cổ, đàn khủng long con Sinornithomimus đột nghiên bị mắc kẹt một cách vô vọng trong bùn vào thời điểm cách đây 90 triệu năm. (Ảnh minh họa: Todd Marshall, courtesy of Project Exploration) |
Các đàn khác, bao gồm chủ yếu hoặc toàn bộ những con chưa trưởng thành, thuộc các nhóm khủng long: sauropod, theropod, ankylosaur, ceratopsian và ornithopod. Mặc dù các loài chim hiện đại tiến hóa từ khủng long, nhưng sự tập trung các cá thể trẻ như thế này cũng hiếm thấy ở chim hiện đại. Tương tự như thế, những con chưa trưởng thành thuộc các loài động vật có xương sống trên cạn lại không có xu hướng tập trung với nhau, chỉ có con người, quạ và đà điểu là ngoại lệ. Khi những con trưởng thành bận rộn với công việc riêng, những con chưa trưởng thành thích tụ tập với nhau có lẽ bởi chúng phải mất nhiều năm để trưởng thành về mặt sinh sản.
Trên 25 cá thể
Một nhà địa lý Trung Quốc đã phát hiện ra những mẩu xương đầu tiên của bầy khủng long vào năm 1978 tại chân một ngọn đồi nhỏ nằm ở khu vực hoang vắng trên sa mạc Gobi. 20 năm sau, nhóm nghiên cứu Trung Nhật đã khai quật những bộ xương đầu tiên, đặt tên cho loài khủng long Sinornithomimus (có nghĩa là “những kẻ bắt chước loài chim tại Trung Quốc”).
Sereno cùng với các cộng sự sau đó mở một khu mỏ lớn, lần theo từng bộ xương xuống sâu bên dưới chân đồi. Tổng cộng có trên 25 cá thể được khai quật từ địa điểm này. Chúng có độ tuổi từ 1 đến 7 năm, dựa rên vòng phát triển hàng năm trên xương của chúng.
Nhóm nghiên cứu đã ghi lại vị trí của tất cả các xương cùng với chi tiết về lớp đất đá nhằm tìm hiểu bằng cách nào mà nhiều cá thể của cùng một loài như thế lại bỏ mạng ở cùng một nơi. Các bộ xương cũng được bảo quản rất tốt, hầu hết đều quay về một hướng, điều này cho thấy chúng đã chết cùng nhau trong một khoảng thời gian ngắn.
Cái chết từ từ
Chi tiết đã mang lại bằng chứng mấu chốt cho thảm kịch cổ đại. Hai trong số các bộ xương nằm chồng lên nhau. Mặc dù hầu hết các bộ xương đều nằm trên một mặt phẳng, chân sau của chúng lại bị mắc sâu xuống lớp bùn bên dưới. Chỉ có xương hông là bị thiếu, có lẽ chính là tác phẩm của những kẻ ăn xác thối thực hiện trên phần nhiều thịt nhất của cái xác chỉ một thời gian ngắn sau khi những con khủng long chết.
Sereno cho biết: “Những con vật này chết chậm rãi trong cái bẫy bùn. Những hành động giãy giụa của chúng chỉ nhằm thu hút sự chú ý của kẻ thù hoặc những kẻ ăn xác thối gần đó”. Thông thường, thời tiết, những loài ăn xác thối hoặc xương bị mang đi sẽ xóa bỏ mọi bằng chứng trực tiếp về nguyên nhân cái chết. Nhưng khu vực này lại cung cấp bằng chứng rõ rệt nhất về nguyên nhân cái chết của một con khủng long.
Dấu tích trên bùn bao quanh các bộ xương cho thấy chúng đã nỗ lực để thoát ra nhưng không thành công. Varricchio nói ông vừa thích thú vừa buồn bã bởi những gì được tiết lộ. “Tôi buồn bởi tôi biết những con vật đó chết như thế nào. Nó là một cảm giác lạ, và đây cũng là lần duy nhất tiên tôi cảm thấy như thế”.
Bên cạnh thành phần và tập tính của nhóm, địa điểm khai quật cũng cung cấp kiến thức về cả những cái xương nhỏ nhất trong hộp sọ và khung xương.
Sereno cho biết: “Thậm chí chúng tôi còn biết được kích thước của cầu mắt. Sinornithomimus có lẽ đã được sắp đặt để trở thành một trong những loài khủng long được hiểu biết nhiều nhất trên thế giới”.