Chùm ảnh bên dưới được chụp trong data center của Facebook đặt tại thành phố Prineville, bang Oregon. Trung tâm dữ liệu này ngoài việc dùng để lưu dữ liệu, vận hành các máy chủ cho những dịch vụ của Facebook thì còn được dùng để test ứng dụng trên nhiều thiết bị di động khác nhau.
Facebook xây hẳn một khu riêng, thiết kế kệ và hệ thống tự động hóa riêng để đảm bảo rằng app của họ chạy tốt trên nhiều loại thiết bị khác nhau. Data center có 3 tòa nhà lớn, trong đó có một cái vẫn đang tiếp tục xây dựng. Nào, mời các bạn cùng tham quan.
Hầu hết các công ty đều giấu tên mình, không cho biết data center đó là của công ty nào vì lo ngại lý do bảo mật hay trộm cắp dữ liệu. Như Facebook thì không, nhìn vào bảng là biết ngay hàng của ai.
Một trong những lý do mà Facebook chọn xây dựng data center này tại Sa mạc cao vùng Oregon là để tận dụng những cơn gió mạnh nhằm làm mát máy chủ. Trong ảnh trên, bồn nước màu trắng được sử dụng để là nguội không khí nếu quá nóng. Facebook dùng điện chủ yếu từ lưới điện địa phương, nhưng hãng cũng có một số tấm pin mặt trời để bổ sung.
Một tấm vải ghi chữ cảm ơn gửi từ một trường học gần đó về khoản tiền đóng góp của Facebook. Trong một thị trấn nhỏ như Prineville, Facebook là một trong những nhà tuyển dụng hàng đầu. Facebook cũng giúp cải thiện hệ thống điện nước và cơ sở hạ tầng địa phương.
Có một căn phòng đặc biệt mà ngay cả nhiều nhân viên của data center cũng không được bước vào: phòng xóa dữ liệu. Đây là nơi Facebook xóa dữ liệu của người dùng trước khi tái sử dụng ổ đĩa hay đem đi tiêu hủy.
Facebook cũng sử dụng data center này làm nơi test app trên nhiều thiết bị khác nhau. Ở thời gian đầu, các kĩ sư Facebook sẽ test từng máy một ngay tại bàn làm việc của mình. Để đẩy nhanh tốc độ, Facebook làm ra một cái khay bằng kim loại để đựng nhiều điện thoại cùng lúc. Nhưng vì làm bằng kim loại nên có khả năng ảnh hưởng tới sóng Wi-Fi.
Thế là hãng chuyển sang làm các kệ bằng nhựa. Mỗi kệ chứa được khoảng 100 cái điện thoại. Nhưng dây thì vẫn bị rối.
Bước kế tiếp, Facebook thử phát triển một bức tường để gắn điện thoại lên. Một bức tường như vậy chứa được khoảng 240 máy cùng lúc. Nhưng để test trên 2.000 chiếc smartphone, Facebook sẽ cần 9 phòng như thế này nếu đặt tại trụ sở chính của mình, thế nên hãng mới quyết định dời ra nó ra data center này.
Cuối cùng, hãng thiết kế ra một cái kệ riêng, gọi là Isolation Chamber. Các kệ này sẽ tách biệt với nhau nhằm đảm bảo kết nối Wi-Fi của kệ này sẽ không xung đột với kệ khác. Facebook sử dụng các miếng cách điện, dây đồng và bộ lọc nguồn để làm ra Isolation Chamber. Mỗi kệ chứa được 32 chiếc điện thoại, ngoài ra còn có thêm chiếc máy tính để tự động hóa quá trình cài đặt từ cài app, test app cho đến gỡ app. Với iPhone, Facebook dùng 8 chiếc Mac Mini mỗi kệ, còn với Android thì hãng dùng 4 server Open Compute Project. Tất cả đều có thể điều khiển từ xa để nhân viên Facebook trên khắp thế giới có thể sử dụng.
Trên nóc kệ có gắn camera để kĩ sư Facebook theo dõi từ xa. Đây là một kệ đựng iPhone 5c, bạn có thể thấy 8 chiếc Mac Mini nằm bên dưới.
Có 60 cái kệ như thế này trong data center, tính ra là 1920 chiếc điện thoại được sử dụng cho mục đích kiểm tra ứng dụng trước khi đăng tải lên store. Facebook đang làm việc để tăng số điện thoại mỗi kệ lên 64 chiếc, đồng thời mở thiết kế ra cho mọi người sử dụng. Một thách thức hiện tại đó là làm sao để đặt vừa những chiếc điện thoại ngày càng to ra.
Sang một khu vực khác. Tất nhiên, đã vào tới data center thì cảnh tưởng quen thuộc với hàng đống server trải dài là không thể thiếu. Những cái kệ (rack) này chứa các server được thiết kế theo cấu hình Open Compute Project, một cấu hình mở và ai cũng có tham gia sản xuất, lắp đặt. Những máy chủ này được làm mát bằng một luồng không khí đi vào, sau đó nhiệt lượng sẽ được hút ra khỏi tòa nhà thông qua một "hành làng" đặc biệt. Hành lang này tất nhiên là rất nóng.
Bên cạnh server Open Compute Project thì data center này còn có một số máy chủ chuyên chạy tác vụ machine learning, bên trong mỗi cái thùng như thế này có 8 GPU NVIDIA M40 Tesla chạy cùng lúc. Do sử dụng GPU có sẵn nên nó to hơn so với những server Open Compute.
Cận cảnh máy chủ Big Sur
Trên lầu 2 là nơi đặt hệ thống làm mát chính của data center. Các lưới bên tay phải sẽ hút không khí vào, sau đó đẩy sang các tấm lọc bên trái nhằm loại bỏ bụi và những loại hạt khác.
Khi không khí đã được lọc xong, nó được đưa vào một hệ thống bay hơi. Nếu nhiệt độ ngoài trời quá lạnh, Facebook sẽ trộn thêm một ít không khí nóng vào để đạt nhiệt độ phù hợp cho việc vận hành máy chủ.
Cuối cùng, quạt sẽ hút không khí đã được điều chỉnh nhiệt độ rồi đưa tới từng rack máy chủ một.
Khi đã hoàn thành nhiệm vụ, không khí sau khi làm mát server sẽ được đẩy ra khỏi tòa nhà bằng những cái quạt cỡ lớn như thế này.
Đây là kho "lưu trữ lạnh" (cold storage). Khi Facebook phát hiện bạn ít xem ảnh hay video nào đó, nó sẽ di chuyển sang cold storage để lưu trữ chứ không xóa đi. Tốc độ của các máy chủ trong cold storage sẽ chậm hơn so với nơi lưu các dữ liệu mà bạn thường hay xài (hot storage) nhằm tiết kiệm chi phí. Khi bạn cần load những tấm hình cũ, chúng vẫn sẽ được hiển thị lên nhưng với thời gian lâu hơn một chút.
Một cái kệ như thế này có thể chứa 2 petabyte dữ liệu, tức là hơn 2000 TB, khoảng hơn chục triệu tấm ảnh.