Theo một nghiên cứu mới, các động vật bò sát đã tuyệt chủng còn được gọi là thằn lằn bay có bộ lông vừa giống như lông vũ ở chim lại vừa giống lông mao ở dơi.
Thằn lằn bay, sống vào thời khủng long, là động vật có xương sống đầu tiên biết bay. Tuy nhiên, do hiện tại không còn loài thằn lằn bay nào sống sót, phần lớn thông tin về chúng vẫn còn là ẩn số.
Nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng da của thằn lằn bay được phủ một lớp lông tơ giống như lông được gọi là pycnofiber thường được miêu tả có bản chất giống như lông mao. Hiện nay, các nhà khoa học thấy các loài bò sát này có thể cũng có bộ lông giống như lông vũ.
Lông vũ từng được cho là chỉ có ở các loài chim và tổ tiên khủng long của chúng.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích hóa thạch của hai con thằn lằn bay đuôi ngắn được bảo tồn tốt, sống khoảng 160-165 triệu năm trước ở nơi hiện nay là Trung Quốc. Họ đưa ra giả thuyết những con thằn lằn bay này từng được bao phủ bởi bốn loại sợi khác nhau.
Một dạng pycnofiber gồm các sợi xoăn, rỗng, giống lông mao mọc trên đầu, thân, các chi và đuôi của chúng. Ba dạng còn lại gồm các sợi cong, giống sợi chỉ mọc trên cánh và đầu được phân nhánh giống lông vũ ngày nay.
Quang phổ học cho thấy các thành phần hóa học của tất cả các pycnofiber này tương tự như lông vũ hiện đại, trong khi kính hiển vi điện tử quét tiết lộ chúng chứa các nhóm sắc tố và có khả năng khá rực rỡ. Những vai trò khả thi của những sợi này có thể bao gồm cách nhiệt, tạo dáng hợp khí động, tô điểm để ngụy trang hoặc trang trí, hoặc dùng làm thụ quan xúc giác.
Lông vũ là cấu trúc phức tạp nhất trang trí cho các động vật có xương sống hiện nay và từng được cho là chỉ có ở các loài chim và tổ tiên khủng long của chúng. Tuy nhiên, nguồn gốc tiến hóa của lông vũ vẫn còn gây tranh cãi. Những phát hiện mới này có thể chứng minh cho khả năng rằng lông vũ đã tiến hóa ở những tổ tiên chung của cả thằn lằn bay và khủng long, dù ý kiến cho rằng các cấu trúc lông vũ tiến hóa độc lập ở cả hai dòng vẫn khá hợp lý.