Các chuyên gia kết luận ứng dụng một số đặc điểm cấu tạo bên ngoài của cá vào kỹ thuật hàng không có thể mở ra triển vọng mới cho ngành này trong tương lai.
Các vùng chồng lên nhau trên bề mặt vảy cá dẫn đến chuyển động ngoằn ngoèo của chất lỏng. (Ảnh: New Atlas).
Nghiên cứu chuyển động của cá trong nước vạch ra hướng đi mới giúp các chuyên gia tới từ Đại học London và Đại học Stuttgart tìm ra cách thức tăng tốc cho máy bay.
Theo đó, sau khi nghiên cứu cấu trúc bề mặt vảy của cá rô biển châu Âu và cá chép, các nhà khoa học nhận thấy rằng phần xếp chồng lên nhau trên bề mặt vảy cá dẫn đến chuyển động zic-zac của chất lỏng khi tiếp xúc.
Điều này làm xuất hiện "dòng chảy sọc", giúp trung hòa các dao động không ổn định dẫn đến nhiễu loạn, được gọi là sóng Tollmien - Schlichting. Ngoài ra, đặc điểm trên còn giúp giảm thiểu lực cản khi cá bơi.
Các nhà khoa học tin rằng việc lặp lại hiệu ứng đó bằng cách đặt các "vảy" nhân tạo trên các bề mặt khí động học sẽ mở ra triển vọng mới cho ngành hàng không.
Theo quan điểm của các chuyên gia, phi cơ được cải tiến theo cách này không chỉ bay nhanh hơn, giảm lực cản tới 25% mà còn hạn chế hao tổn nhiên liệu.