Tháng 9 có thể nhiều cực quang do bão địa từ hoạt động mạnh

  •  
  • 60

Vào tháng 9, do hiện tượng nghiêng của Trái đất, hoạt động địa từ có thể trở nên mạnh hơn, tạo ra mùa cực quang rực rỡ, theo Live Science.

Cực quang xảy ra khi các hạt tích điện trong gió Mặt trời đi vào từ trường của Trái đất và va chạm với các phân tử oxy, nitơ trong khí quyển, kích thích các phân tử, khiến chúng phát ra ánh sáng màu sắc sống động.

Cực quang
Cực quang. (Ảnh: Getty).

Như hôm 10/5 lúc 23h (giờ Hà Nội), khi vụ đầu tiên plasma và từ trường phóng ra từ Mặt trời diễn ra, sau đó, mạng xã hội tràn ngập những hình ảnh cực quang từ Bắc Âu và châu Đại Dương, AFP dẫn thông tin từ Trung tâm Dự báo Thời tiết Không gian thuộc Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA).

Với hoạt động Mặt trời tiếp tục tăng lên mức kỷ lục trong tháng 9, khoảng vài tuần xung quanh điểm thu phân (22/9) có thể chứng kiến những cơn bão địa từ mạnh hơn bình thường. Điều này có thể mang đến một mùa cực quang ngắn, theo Live Science.

Một bài báo công bố năm 1973 cho rằng cực quang xuất hiện đều đặn hơn vào tháng 3 và tháng 9, nhờ sự thẳng hàng tạm thời của các từ trường của Trái đất và gió Mặt trời.

Gió Mặt trời là dòng hạt tích điện từ Mặt trời, đột ngột mạnh lên sau các vụ nổ Mặt trời và phun trào khối lượng vành nhật (CMEs) - những đợt bùng nổ mạnh của bức xạ và vật chất Mặt trời. Hoạt động từ trường trên Mặt trời có chu kỳ kéo dài 11 năm và đang đạt đỉnh điểm.

Trong khi từ trường của Trái đất và gió Mặt trời thường không thẳng hàng, nhờ hiệu ứng Russell-McPherron, các cực từ của Trái đất được nghiêng vào các điểm phân để nhận các hạt tích điện dễ dàng hơn. Khi các từ trường hướng nam bên trong gió Mặt trời hủy bỏ từ trường hướng bắc của Trái đất, các vết nứt mở ra trong từ quyển của Trái đất, khiến gió Mặt trời dễ dàng chảy dọc theo các đường từ trường hơn. Theo đó các khu vực Bắc bán cầu vào tháng 9 có cơ hội cao hơn để thấy cực quang.

Cập nhật: 10/09/2024 VnExpress
  • 60