Lần đầu tiên tại Việt Nam, các bác sĩ Khoa Hiếm muộn (Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TPHCM) đã thành công trong việc ứng dụng phương pháp đông lạnh phôi mới: Vitrification.
Vitrification là “Đông lạnh phôi cực nhanh với kỹ thuật thủy tinh hóa”. Người phụ nữ đầu tiên may mắn có thai nhờ kỹ thuật này là chị N.T.H. Đến nay, chị H. đã mang thai tuần thứ 15, sức khoẻ của thai nhi và sản phụ đều rất tốt.
Bác sĩ Hồ Mạnh Tường – Trưởng khoa Hiếm muộn cho biết, kỹ thuật này được bệnh viện triển khai từ tháng 5/2006.
Hiện nay, nhóm chuyên viên ở Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ đã thực hiện trữ lạnh phôi theo phương pháp mới cho 78 trường hợp, với hơn 300 phôi. Trong đó có 17 trường hợp đã được rã đông phôi và chuyển phôi vào buồng tử cung.
Mười hai phụ nữ trong 17 người nói trên đã đến ngày thử thai và siêu âm thai. Kết quả là 6 trường hợp có thai, đạt tỷ lệ 50%. Đáng nói hơn nữa là các thai nhi đều phát triển bình thường.
Hiện nay, lưu trữ phôi đông lạnh là một kỹ thuật được hầu hết các trung tâm hỗ trợ sinh sản trên thế giới áp dụng bởi nó giúp giảm chi phí rất nhiều do không phải sử dụng thuốc kích thích buồng trứng để tạo phôi tươi.
Việc ứng dụng thành công kỹ thuật cấy phôi đông lạnh mở ra triển vọng thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) một cách dễ dàng hơn so với trước đây thường phải thực hiện lại từ đầu trong trường hợp thất bại.
Thông thường, tỷ lệ đậu thai của lần cấy phôi tươi chỉ vào khoảng 30-35%. Nếu cấy lại lần thứ hai bằng phôi tươi, chi phí thường khá đắt, khoảng 25-30 triệu đồng. Một ca cấy phôi đông lạnh chỉ khoảng 1,5 triệu đồng (nếu trữ nhiều phôi thì chi phí cao hơn) và tránh được các biến chứng có thể xảy ra.
Chương trình trữ lạnh và rã đông phôi được thực hiện thành công tại Bệnh viện Từ Dũ từ năm 2002. Cho đến nay đã có hàng nghìn trường hợp đã được trữ phôi và trên 200 em bé đã ra đời từ kỹ thuật trữ phôi đông lạnh tại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ. Chương trình đã góp phần gia tăng tỷ lệ thành công, giảm chi phí điều trị và giảm nguy cơ biến chứng cho bệnh nhân thực hiện TTTON.
Trước đây Bệnh viện Từ Dũ thực hiện trữ lạnh phôi theo phương pháp hạ nhiệt độ chậm cổ điển, đây cũng là phương pháp được thế giới sử dụng nhiều. Tuy nhiên, phương pháp này có một số nhược điểm như tỷ lệ phôi sống không cao, mất nhiều thời gian, cần phải sử dụng máy, sử dụng nhiều ni-tơ, chương trình không ổn định, chi phí bảo trì máy móc cao...
Vẫn theo bác sĩ Tường, phương pháp đông lạnh phôi cực nhanh bằng kỹ thuật thủy tinh hóa (Vitrification) đã được áp dụng trên thế giới từ trước. Nhưng chỉ trong vài năm trở lại đây, phương pháp này đã được cải tiến, cho thấy ưu thế vượt trội so với phương pháp hạ nhiệt độ chậm cổ điển và đang thay thế dần phương pháp cũ tại đa số các trung tâm TTTON.
Dự kiến cuối năm nay, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ sẽ chuyển giao công nghệ mới này cho các trung tâm khác ở Việt Nam.
Thái Hà