Thành phần hóa học của son môi: sáp, dầu, mỡ cừu, đun côn trùng trong amoniac,...

  •  
  • 1.679

Son là dụng cụ trang điểm không thể thiếu đối với các bạn gái. Có rất nhiều loại son với các màu sắc, đặc điểm và hương vị khác nhau tương ứng với vô vàng thành phần hóa học của chúng. Tuy nhiên tựu chung lại vẫn có một vài thành phần không thể thiếu để hình thành nên một thỏi son. Bài hóa học quanh ta lần này xin được nói về cấu tạo và nguồn gốc các hợp chất có chứa trong thỏi son cũng như tác động của nó tới sức khỏe người dùng.

Thành phần của son môi

​Thông thường, thành phần chủ yếu của một thỏi son là sáp và dầu. Sáp có lẽ là thành phần quan trọng nhất bởi nó kiến tạo nên cấu trúc và hình dạng của thỏi son. Có nhiều loại sáp được dùng để làm son nhưng phổ biến nhất là sáp ong. Nó được cấu thành từ khoảng 300 hợp chất hóa học khác nhau, 70% trong số đó là ester, 30% còn lại bao gồm các acid hữu cơ và hydrocarbon.

Một loại sáp khác cũng hay được dùng làm son là sáp Carnauba có nguồn gốc từ cây cọ Brazil. Sáp Carnauba có điểm nóng chảy ở xấp xỉ 87 độ C nên những thỏi son làm từ loại sáp này có khả năng chịu nhiệt tương đối cao, dùng được dưới trời nắng. Một số loại sáp khác cũng được dùng làm son như sáp Candelilla (lấy từ một loại cây bụi ở Mexico) và mỡ cừu (được tiết ra bởi các tuyến lông của cừu hoặc một số loại động vật khác). Mặc dù nhiệm vụ chính của sáp là định hình cho thỏi son nhưng nó cũng giúp gắn kết các thành phần của thỏi son lại với nhau, đồng thời tăng cường độ bóng láng khi sử dụng.

Bên cạnh sáp thì một thành phần quan trọng khác của thỏi son là dầu. Loại dầu được sử dụng phổ biến nhất là dầu thầu dầu (còn gọi là dầu hải ly) hoặc một số loại dầu khác như dầu ô liu, dầu khoáng,... Dầu thầu dầu được chiết xuất từ hạt cây thầu dầu và đây cũng chính là nguồn gốc chế tạo ra ricin, một chất cực độc đối với con người, ricin bào chế từ 1-2 hạt thầu dầu có thể gây tử vong ở người lớn và bạn nào có coi Breaking Bad chắc biết loại chất độc này. Dầu giúp làm mềm thỏi son hoặc làm mềm da môi sau khi bôi son, đồng thời tạo độ bóng. Ngoài ra, dầu còn có nhiệm vụ hòa tan những loại chất tạo màu trong son hoặc các chất hòa tan khác.

Các chất tạo màu mặc dù chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng lại vô cùng quan trọng đối với một thỏi son bởi nó quyết định màu sắc, vẻ đẹp của đôi môi sau khi thoa son. Chất tạo màu bao gồm bột màu và sơn dạng lỏng. Tùy vào màu sắc mong muốn của thỏi son mà người ta sẽ sử dụng các chất tạo màu với nguồn gốc khác nhau. Điển hình nhất là màu đỏ son, còn gọi là carminic acid, có nguồn gốc từ một loại bọ cánh kiến đỏ sống trên cây xương rồng. Nó được điều chế bằng cách đun sôi loài côn trùng này trong dung dịch amoniac hoặc natri carbonat, sau đó thêm vào phèn (muốn nhôm kali ngậm nước).

Một loại chất tạo màu phổ biến khác là eosin với khả năng thay đổi màu sắc khi dùng. Trong thỏi son thì nó có màu đỏ, nhưng khi bôi lên môi thì nó sẽ phản ứng với những nhóm amin có trong protein của da, từ đó chuyển thành một màu đỏ sâu và đậm hơn. Một lợi ích của phản ứng hóa học này là làm cho màu son được bền lâu hơn và khó nhòa hơn.

Tất nhiên đỏ chỉ là màu cơ bản thường thấy của một thỏi son, ngoài ra chúng ta còn có vô vàng màu sắc khác tương ứng với các loại chất tạo màu khác nhau. Đồng thời, người ta cũng thêm vào một số hóa chất khác để thay đổi cường độ và độ bền của màu. Phổ biến là dùng titan dioxide, một loại hóa chất màu trắng, được bổ sung vào chất nhuộm màu đỏ để tạo nên son môi màu hồng.

Một số loại hợp chất khác cũng được thêm vào để tăng cường độ giữ ẩm cho môi hoặc hương liệu để tạo mùi thơm khi dùn son. Thú vị hơn, một số mẫu son còn có chứa capsaicin, hợp chất có chứa trong trái ớt để tạo vị cay. Sự xuất hiện của hóa chất này trong thỏi son tạo nên một kích thích nhẹ ở môi, giúp cho nó trông đầy đặn hơn một chút.

Bên cạnh những loại hóa chất tương đối "an toàn" nói trên thì trong một số loại son môi người ta còn tìm thấy các kim loại nặng vốn độc đối với cơ thể. Một nghiên cứu gần đây dựa trên 32 loại son môi phổ biến đã phát hiện ra dấu vết của chì, cadimi, nhôm, crom và mangan. Tuy nhiên, các nghiên cứu này được cho là có mức độ phổ quát chưa cao bởi chỉ dựa trên một số lượng son có giới hạn, đồng thời nó tính dựa trên giả định rằng người dùng ăn thỏi son vào bụng - một việc hiếm có bạn nữ nào làm.

Tuy nhiên, hàm lượng cao nhất của các kim loại chứa trong son môi trong các nghiên cứu nói trên vẫn còn ở dưới mức cho phép. Dù vậy, không loại trừ các loại son không rõ nguồn gốc sẽ chứa các kim loại nặng với hàm lượng vượt quá mức cho phép và khi đó, nó thật sự gây ngộ độc cho người dùng nếu xài trong thời gian dài. Các nghiên cứu về độ an toàn của son môi vẫn đang được tiếp tục thực hiện và hiện tại, các hãng son cố gắng trấn an người tiêu dùng bằng cách đóng dấu không kim loại nặng bên ngoài sản phẩm. Do đó, cách tốt nhất là nên mua các loại son có nguồn gốc rõ ràng để bảo đảm sức khỏe.

Cập nhật: 11/11/2020 Theo Tinh Tế
  • 1.679