Thành phố Uxmal: Nền văn minh Maya cổ đại vẫn là ẩn số

  •  
  • 4.451

Mặc dù nền văn minh Maya rất nổi tiếng và đã được biết đến từ rất lâu, tuy nhiên việc khảo sát nghiên cứu về nó đến tận ngày nay vẫn còn ở mức độ sơ khai. Còn rất nhiều địa điểm nằm trong rừng sâu đến nay hầu như vẫn chưa được khám phá.

Cùng với các khu vực khác ở phía Bắc như Chichen Itza, thành phố cổ Uxmal tồn tại sau sự sụp đổ làm ảnh hưởng đến hầu hết các thành phố khác của nền văn minh Maya. Thành phố này từ lâu đã là một trong những trung tâm chính trị và văn hóa của người Maya ở Mexico, khắp bán đảo Yucatan.

Lịch sử cổ xưa của thành phố vẫn còn là một bí ẩn, nhưng một số kết quả nghiên cứu được biết rằng vào cuối thế kỷ X Uxmal đã bị cai trị bởi Tutul Shiv, và từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XV Uxmal tham gia vào các cuộc chiến tranh đẫm máu với các thành phố Chichen- Itsoy và Mayapanom nhằm thống trị trên bán đảo. Chiến tranh trên bán đảo kết thúc năm 1441, với sự sụp đổ của triều đại Mayapana chiếm giữ thành phố Uxmal trong thế kỷ XIII.

Người Maya và những mất mát không thể phục hồi

Nói đến nền văn minh Maya người ta thường nghĩ ngay đến thảm họa tận thế 2012 và các kim tự tháp Maya. Thực ra những điều kỳ lạ của nền văn minh bí ẩn này không chỉ có như vậy.

Vào năm 1521, người Tây Ban Nha xâm lăng vùng đất của người Maya, nhưng thành phố hoang vắng không một bóng người, người Maya đã bỏ lại thành phố đi đâu không ai biết từ trước đó mấy trăm năm, vào thế kỷ 9 và 10.

Những kẻ Thập tự chinh Tây Ban Nha và nhất là giám mục Diego de Landa đã hủy rất nhiều văn tự, đốt tất cả các bản chép tay tìm thấy, phá hủy rất nhiều di sản văn hóa và khoa học của người Maya. Chỉ có 3 bản chép tay còn giữ được đến ngày nay. Tuy nhiên, chỉ vài cuốn sách còn lại đó thôi cũng đã khiến cả nhân loại phải kinh ngạc, bởi chúng chứng tỏ tri thức của người Maya là rất cao.

Nói về sự hiếm hoi của các văn bản Maya còn lại, nhà ngôn ngữ học và văn khắc học, Giáo sư tiến sỹ Michael Douglas Coe thuộc Trường Đại học Yale từng phát biểu: “Kiến thức của chúng ta về Maya cổ đại chỉ là một mảnh nhỏ của toàn thể bức tranh, bởi vì trong số hàng ngàn cuốn sách về đủ các tri thức và lễ nghi của họ được ghi lại, chỉ có một số ít vẫn tồn tại đến thời hiện đại”.

Theo thống kê, trước lúc đột ngột biến mất, nền văn minh Maya đã dựng lập khoảng hơn 100 thành thị khác nhau, với tổng dân số có thể lên tới khoảng 14 triệu người. Những người đi tìm sự thật vẫn đang phải chập chững trên cuộc hành trình tìm lại Atlantis - tổ tiên của những nền văn minh bí ẩn ở Trung và Nam Mỹ mà một trong số đó là nền văn minh Maya.

Toàn cảnh Thành phố cổ Uxmal.
Toàn cảnh Thành phố cổ Uxmal.

Nền văn minh Maya được xây dựng bởi một bộ tộc thổ dân châu Mỹ trên vùng đất mang tên Cuello cách nay 4.000 năm. Từ mảnh đất này, người Maya phân chia thành nhiều nhánh, trong đó, nhánh lớn nhất tiến về vùng đất là vịnh Mexico ngày nay.

Thành phố Uxmal của nền văn minh Maya nằm ở bán đảo Yucatan, Mexico là một trong những thành phố thuộc giai đoạn Maya cổ điển muộn và được coi là địa điểm khảo cổ quan trọng để giải mã những bí ẩn của người Maya. Những tàn tích của thành phố Uxmal nằm trong khu vực Puuc thật sự ấn tượng vì kiến trúc kỳ công.

Vào thời kỳ thịnh vượng (khoảng 800-900 sau Công nguyên) ước tính có tới hơn 20.000 người sinh sống trong và xung quanh thành phố này. Đã có nhiều tranh cãi quanh câu hỏi thành phố Uxmal được xây dựng như thế nào? Truyền thuyết của người Maya cho rằng một nhà ảo thuật lùn, sinh ra từ một quả trứng, đã xây dựng thành phố Uxmal chỉ trong một đêm.

Kim tự tháp Mesoamerica với chức năng là nơi hành lễ và tôn thờ hơn là những ngôi mộ như ở Ai Cập cổ đại, mặc dù có một số ngoại lệ, như ở Palenque là nơi giữ hài cốt của những người cai trị. Tôn giáo đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Maya.

Các vị thần như thần Mặt trời, thần Nước luôn được coi trọng bởi họ tin những vị thần này có ảnh hưởng lớn đến những vụ mùa bội thu. Rất nhiều các tác phẩm chạm khắc trên phiến đá còn lại ngày nay (người Maya gọi là tetun, hoặc là cây-đá), khắc chữ tượng hình mô tả về sự cai trị theo phả hệ, các chiến thắng của cuộc chiến, và các thành tựu khác.

Mỗi kim tự tháp của người Maya có một buồng thánh lễ ở trên đỉnh là nơi để thực hành các nghi lễ tôn giáo. Quy mô của những kim tự tháp, với những hoa văn phức tạp miêu tả các vị thần của người Maya, và người cai trị chính là người trung gian của các vị thần.

Các trung tâm đô thị lớn như Uxmal chứng minh một sự hiểu biết phức tạp của quy hoạch thành phố. Các đỉnh đồi là nơi xây dựng nhằm nâng cao các tòa nhà nổi tiếng, như cung điện của các vị chức sắc và các kiến trúc nghi lễ. Những kiến trúc bằng đá như được dành cho các vị chức sắc và linh mục, trong khi người dân thường sống trong các túp lều cỏ nhỏ.

Kiến trúc thể hiện tư duy

Trái ngược với nhiều thành phố của người Maya cổ đại, Uxmal không được xây dựng với hình học trong tâm trí. Thay vào đó nó đã được đặt ra với mục đích tập trung vào thiên văn học, có sự điều chỉnh để phù hợp với địa hình đồi núi. Các tòa nhà đá vôi của Uxmal xây dựng theo trục bắc-đông với những bức tường pháo đài bao quanh khu trung tâm linh thiêng. Hầu hết các tòa nhà đã được thiết kế theo phong cách kiến trúc Puuc.

Theo đó, các tòa nhà được chia làm hai theo chiều ngang, với phần dưới bằng phẳng và trên trang trí lộng lẫy như một bức tranh khảm. Nhà của những người có vị trí trong xã hội thường có các tác phẩm điêu khắc trên cửa ra vào và ở các góc.

Tranh vẽ mô tả cảnh sinh hoạt trong Ni viện Tứ giác.
Tranh vẽ mô tả cảnh sinh hoạt trong Ni viện Tứ giác.

Kim tự tháp của Magician cao 35 mét với các góc tròn là một kiến trúc độc đáo của người Maya. Kiến trúc với các góc được làm tròn làm cho nó gần như hình ô van khi nhìn từ trên cao. Kim tự tháp của Magician có một cầu thang dốc đứng với ô cửa ở phía tây.

Những ô cửa được chạm khắc khiến du khách hình dung như đi vào miệng một con rắn khổng lồ. Phía đông của kim tự tháp chạm khắc ít hoa văn hơn và thấp hơn, có một cửa vào và một cầu thang ít dốc hơn thông qua căn phòng duy nhất ở phía này. Phần trung tâm của kim tự tháp Magician được xây dựng bằng đá vôi và quét thạch cao sơn màu đỏ, xanh, vàng và đen.

Cung điện của Thống đốc tại Uxmal là một tòa nhà 24 phòng được xây dựng vào thế kỷ thứ 10 vào thời kỳ của người cai trị cuối cùng của Uxmal, lãnh chúa Chahk. Cung điện của Thống đốc đã từng là trung tâm hành chính của thành phố Uxmal. Nó cao 15,2 mét, và rộng khoảng 5 mẫu. Điều đáng chú ý không phải là kích thước mà là các trang trí của hơn 20.000 viên đá được chế tạo đặc biệt, có chạm khảm rất đẹp mô tả lãnh chúa Chahk, rắn, các ký hiệu chiêm tinh.

Một sân lớn bao bọc bởi bốn tòa nhà hình chữ nhật riêng biệt với một cầu thang hoành tráng ở phía nam dẫn đến lối vào nhà vòm lớn. Tòa nhà phía Bắc của Ni viện cao nhất và cũng có một cầu thang rộng dẫn vào sân phía trong. Nó có 13 cửa ra vào, có thể là tượng trưng cho 13 tầng trời theo quan niệm của người Maya.

Đối diện là tòa nhà phía Nam với 9 cửa ra vào, tượng trưng cho 9 tầng địa ngục (Xibalba) của người Maya, nó cũng là tòa nhà thấp nhất. Tòa nhà phía Tây có 7 cửa, phản ánh một con số thần bí của người Maya về trái đất.

Có hình biểu tượng cho thần Đất trong hình dạng một con rùa (Pawahtun) như trong truyền thuyết khi mà mặt trời của Trung thế giới rơi vào bóng đêm. Tòa nhà phía Đông với các hình chạm khắc biểu thị nơi mặt trời mọc. Yếu tố trang trí trên tất cả bốn tòa nhà bao gồm mặt nạ bằng đá, băng trên bầu trời, những con rắn hai đầu, ngôi nhà mái tranh, và những bức tượng.

Người Tây Ban Nha đặt tên các kiến trúc này là “Ni viện” do nó giống các kiến trúc nhà tu ở Tây Ban Nha. Các nhà nghiên cứu cho rằng các tòa nhà bao quanh Ni viện Tứ giác là nơi học tập, nghiên cứu của thầy lang, pháp sư, linh mục, nhà chiêm tinh học, huấn luyện quân sự v.v… những tòa nhà này được xây dựng theo thứ tự từ phía Bắc, Nam, Đông và cuối cùng là phía Tây.

Bên cạnh các di tích chính vừa đề cập, thành phố cổ Uxmal cũng bao gồm một sân bóng để chơi các trò chơi bóng Trung Mỹ, nghĩa trang, và một tập hợp các cấu trúc xây dựng xung quanh một kim tự tháp, nhà rùa. Các kim tự tháp vuông bốn cấp là cấu trúc lâu đời nhất ở Uxmal.

Các thành bang của đế chế Maya cổ đã phát triển cực kỳ hưng thịnh ở phía nam Mexico và phía bắc của Trung Mỹ trong khoảng 6 thế kỷ. Sau đó, vào khoảng năm 900 sau CN, nền văn minh Maya sụp đổ. Đã có nhiều lý giải cho sự suy tàn của nền văn minh này như việc chặt phá rừng, gây hạn hán; sự thay đổi địa hình; yếu tố chính trị xã hội như việc thay đổi cách thức vận chuyển từ đường bộ sang tàu thủy…

Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí PNAoS: Sự sụp đổ và bỏ hoang của Maya ở bán đảo Yucatan là kết quả của mối tương quan con người - môi trường phức tạp.

Cập nhật: 01/09/2017 Theo ANGT
  • 4.451