Các nhà nghiên cứu đang hi vọng có thể nhân bản thành công loài voi ma mút lông mịn.
>>> Công nghệ phát triển làm hồi sinh những loài đã tuyệt chủng?
Ý tưởng hồi sinh những động vật từ thời tiền sử có vẻ như chỉ xuất hiện trong các bộ phim khoa học viễn tưởng. Tuy nhiên, mới đây, nhóm nghiên cứu đa quốc gia bao gồm Nga, Anh, Mỹ, Đan Mạch, Hàn Quốc và Moldova khẳng định, họ đã đạt được một bước tiến mới trong quá trình nhân bản voi ma mút lông mịn.
Các nhà khoa học đã sử dụng DNA từ hóa thạch của 1 con ma mút cái, niên đại khoảng 43.000 năm. Bộ xác này được tìm thấy năm ngoái ở khu vực băng vĩnh cửu trong vùng mỏ kim cương thuộc Cộng hòa Sakha, Siberia (Nga). Họ hi vọng rằng, kết quả kiểm tra máu của loài ma mút lông mịn này sẽ giúp cung cấp tư liệu về nguồn gene cần thiết, tăng khả năng thành công trong quá trình nhân bản.
Các nhà khoa học sử dụng DNA của hóa thạch tìm được để tái tạo loài ma mút này
Loài ma mút lông mịn này đã tuyệt chủng hoàn toàn ở vùng Đông Siberia vào khoảng 4.000 năm trước do biến đổi khí hậu và sự săn bắn của loài người.
Khi cắt các mô mềm trên phần hóa thạch của con ma mút tìm được, các nhà khoa học đã rất ngạc nhiên vì sự nguyên vẹn của nó. Các mô được cắt cho thấy phần mạch máu với thành mạch cứng cáp, đồng thời, bên trong mạch có chất tan máu và hồng cầu.
Cơ và các mô mỡ cũng được bảo tồn rất tốt. Bên cạnh đó, phần gan cũng còn nguyên vẹn, còn phần thân nói chung đều ở trong tình trạng tốt. Chính vì được bảo quản trong băng giá hoàn toàn, nên tình trạng của nó còn tốt hơn rất nhiều so với một cái xác được chôn bình thường trong 6 tháng.
Phần gan của con ma mút còn rất nguyên vẹn
Nhóm nghiên cứu cũng cho biết, cái chết của con ma mút này không phải do tuổi già. Nó đã phải chịu đựng đau đớn khoảng 16 đến 18 giờ đồng hồ, sau đó mới tử vong. Dấu hiệu nhận biết chính là tư thế nằm và vị trí chân sau của nó bị kéo dài bất thường. Nguyên nhân cái chết của ma mút được cho là không may rơi xuống một hố băng và không thoát được.
Các mô mềm cũng được bảo quản trong tình trạng rất tốt
Trong quá trình nhân bản, nhóm nghiên cứu sẽ sử dụng một con voi cái đóng vai trò làm người mẹ thay thế cho con ma mút tái bản, bởi voi là họ hàng gần gũi nhất đối với ma mút.
Tuy nhiên, ông Radik Khayrullin - phó chủ tịch Hiệp hội Nhân chủng học y tế Nga cho biết, các nhà khoa học cần đề cao tinh thần trách nhiệm trong việc tiến hành nghiên cứu để tái sinh loài động vật to lớn này. Ông nhấn mạnh, cần phân biệt rạch ròi mục đích của việc nhân bản là vì khoa học, thay vì chỉ đơn thuần là sự tò mò.