Cuối tháng 7 vừa qua, một ủy ban gồm nhiều chuyên gia kỹ thuật do Tòa án Tối cao Ấn Độ thành lập đã cấm vô thời hạn đối với các thử nghiệm về loại cây trồng biến đổi gene (GMC) cho đến khi Chính phủ Ấn Độ đưa ra các cơ chế phù hợp về quy định và an toàn thực phẩm. Trước đó, một ủy ban thường trực quốc hội về nông nghiệp Ấn Độ cũng đã có lệnh cấm về cây lương thực biến đổi gien trên cả nước.
Những quyết định cứng rắn của cơ quan chức năng Ấn Độ là một đòn nặng nề giáng vào các tập đoàn kinh doanh GMC như Monsanto. Trước những khó khăn từ Ấn Độ, các tập đoàn Monsanto, Pioneer (Mỹ), Syngenta (Thụy Sĩ) đã chuyển hướng sang thị trường Pakistan. 3 tập đoàn này đã làm việc với Bộ An ninh lương thực Pakistan và đưa ra đề nghị cho trồng thử nghiệm bắp và bông biến đổi gene tại Pakistan. Cơ quan bảo vệ môi trường Pakistan đã được yêu cầu đánh giá tác động của GMC đối với môi trường.
Không ít nhà khoa học Pakistan đã lập tức phản đối các kế hoạch này. Ngoài những lo ngại về môi trường, tranh cãi xung quanh ảnh hưởng cua GMC với sức khỏe con người, các nhà nghiên cứu tại quốc gia Nam Á đặc biệt quan tâm đến vấn đề đời sống người nông dân bị ảnh hưởng bởi GMC. Tiến sĩ Azra Sayeed, chuyên gia về môi trường và an ninh lương thực, đã gọi kế hoạch của 3 tập đoàn trên là “sự tấn công mới của các tập đoàn đế quốc” để thỏa mãn “cơn khát lợi nhuận”. Theo bà Sayeed, cây trồng biến đổi gene không chỉ làm xói mòn cây lương thực bản địa mà còn tác động nghiêm trọng đến đời sống của người nông dân.
Chuyên gia người Pakistan đã dẫn chứng việc hàng loạt nông dân Ấn Độ phải tự tử trong những năm gần đây do thường xuyên mất mùa bởi giống bông biến đổi gene được đưa vào trồng 1 thập niên trước. Bình luận của Thái tử Anh Charles về sự liên hệ giữa tự tử và thực phẩm biến đổi gien tại hội nghị ở New Delhi năm 2008 đã thay đổi nhận thức của cộng đồng với GMC.
Không ít các chuyên gia còn quan ngại rằng, các tập đoàn như Mosanto đang hướng đến sự độc quyền về lương thực thông qua các GMC. các chuyên gia liên hệ vụ kiện của Monsanto đối với một nông dân Mỹ, ông Vernon Hugh Bowman, vì vi phạm bản quyền sáng chế. Ông Bowman mua giống đậu tương biến đổi gene của Monsanto về trồng lẫn với giống của một nhà sản xuất địa phương khác, sau đó để dành một phần sản phẩm lai làm giống cho vụ sau.
Thông thường, người nông dân có thói quen chọn giống từ sản phẩm thu hoạch mùa trước để gieo trồng mùa sau. Điều này cho phép họ tiết kiệm chi phí và quan trọng không kém là chủ động sản xuất. Tuy nhiên, với điều luật quy định cấm sao chép một sản phẩm đã đăng ký bản quyền, trong trường hợp này là gieo lại các hạt giống là sản phẩm của vụ canh tác trước, tòa đã kết luận ông Bowman phải bồi thường 85.000 USD cho Monsanto. Chính vì điều này, người nông dân hàng năm buộc phải mua hạt giống biến đổi gene từ các công ty sản xuất giống như Monsanto.
Một số nhà hoạt động xã hội, hoạt động môi trường khẳng định lập luận cho rằng cây trồng biến đổi gene cho năng suất cao sẽ góp phần đảm bảo an ninh lương thực thế giới của các công ty sản xuất giống GMC chỉ là nhằm bảo vệ lợi nhuận của họ; những hoạt động của họ cho thấy mục tiêu của họ là độc quyền sản xuất giống cây lương thực dẫn đến một động thái nguy hiểm hơn là thao túng an ninh lương thực toàn cầu.