Thế giới lần đầu tiên đưa vào sử dụng robot phẫu thuật ngay trong mắt người

  •  
  • 513

Chúng ta đã từng nghe về các robot tham gia vào phẫu thuật túi mật hay tuyến tiền liệt. Nay, các nhà khoa học đã tiến thêm một bước nữa: đưa chúng vào trong mắt người để thực hiện phẫu thuật!

Theo Futurism thì vào năm 2016, các nhà nghiên cứu đến từ Khoa Thần kinh Lâm sàn Nuffield của Đại học Oxford đã khởi động quá trình thử nghiệm lâm sàng nhằm kiểm tra hệ thống phẫu thuật PRECEYES - một con robot được thiết kế để thực hiện các cuộc phẫu thuật trong võng mạc, tức bề mặt ở đằng sau nhãn cầu. Hôm thứ Hai vừa qua, họ đã xuất bản kết quả của đợt thử nghiệm này trên tạp chí Nature Biomedical Engineering.

RECEYES có thể được sử dụng cho các cuộc phẫu thuật thông thường.
RECEYES có thể được sử dụng cho các cuộc phẫu thuật thông thường.

Một bác sỹ phẫu thuật sẽ sử dụng cần gạt (joystick) để điều khiển cánh tay di động của hệ thống PRECEYES. Các bác sỹ có thể gắn lên cánh tay này nhiều dụng cụ hỗ trợ, và vì hệ thống này là một con robot, nên nó không hề bị tình trạng "run tay" mà ngay cả những bác sỹ con người vững vàng nhất cũng có thể gặp phải.

Trong cuộc thử nghiệm, các nhà nghiên cứu đã lên danh sách 12 bệnh nhân cần tách bỏ một lớp màng khỏi võng mạc - một thủ tục khá bình thường. Các bác sỹ đã tiến hành 6 cuộc phẫu thuật như vậy theo phương thức truyền thống, và 6 cuộc phẫu thuật còn lại được thực hiện với sự trợ giúp của một robot.

Các cuộc phẫu thuật nêu trên bắt đầu bằng một vết rạch nhỏ ngay trên con ngươi, và thông qua đó, bác sỹ phẫu thuật sẽ chèn vào một đèn chiếu sáng. Khi phẫu thuật bằng robot, bác sỹ phẫu thuật chèn con robot đó xuống dưới vết rạch vốn có đường kính chưa đến 1mm. Con robot này sẽ thực hiện việc tách màng khỏi võng mạc, sau đó loại bỏ lớp màng này khỏi mắt người và ra ngoài bằng chính con đường nó đã đi vào. Nếu phẫu thuật không dùng robot, bác sỹ phẫu thuật phải làm những việc trên hoàn toàn thủ công sử dụng các dụng cụ vi phẫu trong khi quan sát qua một kính hiển vi dùng cho phẫu thuật.

Tất cả 12 cuộc phẫu thuật đều thành công; và trong một số trường hợp, robot thực hiện cuộc phẫu thuật hiệu quả cao hơn nhiều so với thông thường. Trong giai đoạn 2 của đợt thử nghiệm, các bác sỹ phẫu thuật sử dụng robot trên 3 bệnh nhân để đánh tan xuất huyết dưới võng mạc - một chấn thương có thể dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn. Tất nhiên, 3 cuộc phẫu thuật này cũng thành công mỹ mãn.

Đáng chú ý, robot hỗ trợ phẫu thuật mắt thực hiện các ca phẫu thuật lâu hơn gấp 3 lần thông thường, nhưng nhà nghiên cứu đứng đầu đợt thử nghiệm là Robert MacLaren cho biết nguyên nhân là do các nhà phẫu thuật vẫn chưa thành thạo trong việc sử dụng robot và do đó họ thực hiện các thao tác "chậm mà chắc".

Với những kết quả đạt được cho thấy PRECEYES có thể được sử dụng cho các cuộc phẫu thuật thông thường, các nhà nghiên cứu đang bắt đầu chuyển hướng sang các loại hình phẫu thuật với độ khó cao hơn nhiều - có lẽ họ sẽ thử nghiệm với cả những ca phẫu thuật hiện được xem là bất khả thi.

"Bước tiếp theo của chúng tôi sẽ là sử dụng thiết bị phẫu thuật bằng robot này vào việc đưa các liệu pháp gene vào võng mạc một cách chính xác và ít tổn thương nhất có thể. Đó sẽ là một thành tựu đầu tiên trong lịch sử khác, và nó sẽ diễn ra vào đầu năm 2019" - MacLaren nói.

Dù các bác sỹ đã có thể thực hiện những ca phẫu thuật như vậy trên các bệnh nhân hoàn toàn không nhìn thấy gì, nhưng tay của họ không đủ chính xác để xác định các điểm cụ thể trên võng mạc đối với các bệnh nhân vẫn còn một ít thị lực. MacLaren cho biết hệ thống PRECEYES có thể sẽ cho phép các bác sỹ phẫu thuật trực tiếp "mở đường" các mạch máu hoặc tiêm các loại thuộc đặc trị trực tiếp vào thần kinh thị giác của các bệnh nhân - hai loại phẫu thuật hiện nay chưa thể thực hiện được.

PRECEYES là một trong nhiều robot phẫu thuật đang trong quá trình phát triển, và dù chúng thường không làm việc nhanh như con người, nhưng sự chính xác của các robot sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và mở ra những cánh cửa để thực hiện các loại hình phẫu thuật vốn chưa từng được thực hiện trước đây.

Cập nhật: 20/06/2018 Theo vnreview
  • 513