Thế nào là “người có trình độ”?

  •  
  • 1.645

Theo một nghiên cứu của giáo sư Đại học Michigan John Miller, để được rơi vào phạm trù “có trình độ khoa học”, một người phải hiểu được tối thiểu 20-30 khái niệm hay thuật ngữ khoa học. Thí dụ, họ phải nói được thế nào là phân tử, tế bào mầm, neuron và nano...

Không chỉ thế, con người hiện đại của một đất nước phát triển còn phải hiểu được những khái niệm dưới đây là đúng hay sai. “Kháng sinh tiêu diệt virus cũng như vi khuẩn”, “Những con người đầu tiên trên Trái đất đã sống cùng khủng long”, “Vũ trụ bắt nguồn từ một vụ nổ lớn” và “Tất cả thực vật và động vật đều có ADN”... (dĩ nhiên chỉ có hai khái niệm cuối là đúng).

Sau khi thăm dò bằng phương pháp của mình, giáo sư Miller phát hiện chỉ có 28% người Mỹ, 14% người châu Âu và 5% người Nhật được cho là “có trình độ khoa học”. Về quốc gia, đứng đầu về am hiểu khoa học là Thụy Điển (35% người có thể được coi là hiểu biết), tiếp đó là Mỹ, Hà Lan (24%), Na Uy, Phần Lan và Đan Mạch (22%)...

Mặc dù những con số này có thể không nói lên điều gì quan trọng, nhưng nó chỉ ra sự tiến bộ đáng kể, thí dụ nước Mỹ vào những năm 1970-1980 chỉ có hơn 10% người được coi là tiến bộ về khoa học. Con người hiện đại đã thông minh hơn gấp ba lần. Dẫu thế, Miller cũng khẳng định trình độ khoa học kỹ thuật của cư dân các nước phát triển thấp hơn yêu cầu: tới 70% dân Mỹ không có khả năng hiểu hết những bài báo đăng trên chuyên mục khoa học của nhật báo hàng đầu nước này The New York Times, hay mặc dù các môn khoa học cơ bản được coi là bắt buộc đối với sinh viên Mỹ nhưng trong các kỳ thi Olympic quốc tế, sinh viên Mỹ thường không đạt thành tích cao.

Đặc biệt, theo nhận định của Miller, sinh viên Mỹ không chấp nhận học thuyết tiến hóa. Hiện nay chỉ có 40% người Mỹ trưởng thành tin vào học thuyết Darwin về nguồn gốc các loài, thấp hơn nhiều so với ở châu Âu (thí dụ tại Tây Ban Nha, Đan Mạch và Thụy Điển, tới 80% người đồng tình với thuyết tiến hóa).

Thấp hơn Mỹ trong niềm tin này chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ, mà theo giáo sư Miller, nguyên nhân là vì tín ngưỡng. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, niềm tin này dựa vào kinh Koran, còn ở Mỹ người ta tin vào Thánh kinh. Tuy nhiên, trong tất cả các nước chỉ ở Mỹ mới có một đảng mạnh (Cộng hòa) không chấp nhận thông qua học thuyết Darwin trong tất cả lý thuyết chính trị của mình.

DUY VĂN(Theo Washington Profile)

Tòa án Saint Petersburg ngày 21-2 đã phán quyết không cấm học sinh nghiên cứu học thuyết tiến hóa của nhà khoa học Anh thế kỷ 19 Charles Darwin. Bằng tuyên bố này, tòa cũng bác một đơn kiện hi hữu: nữ sinh 17 tuổi Maria Shraiber đã kiện Ủy ban Giáo dục Saint Petersburg và Bộ Giáo dục LB Nga đòi cấm giảng dạy học thuyết Darwin như một học thuyết vượt trội.


Maria chống Darwin (Ảnh: RIA Novosti, TTO) 

Theo nguyên đơn, việc coi học thuyết tiến hóa trên là chủ đạo đã “xúc phạm những tình cảm tôn giáo” và ngăn cản quyền của giới trẻ được “có những suy nghĩ khác về nguồn gốc con người”. Trong đơn kiện, nữ sinh Maria cho rằng học thuyết Darwin về nguồn gốc con người đã hạ thấp phẩm giá con người, và việc giảng dạy học thuyết Darwin là vi phạm luật “Về các chính đảng” của Nga, vì học thuyết này dựa trên các nguyên tắc tư tưởng vô thần.

Trả lời trước tòa án từ phía bị đơn, đại diện Ủy ban Giáo dục Saint Petersburg khẳng định môn khoa học trong sách giáo khoa mà Maria học không chỉ trình bày học thuyết Darwin mà còn nhiều học thuyết khác, kể cả thuyết sáng tạo linh hồn (cho rằng linh hồn người là do Chúa tạo ra). Mặt khác, theo hiến pháp Nga, giáo hội tách bạch với nhà nước. Các thầy cô của Maria cho biết cô học không tốt môn sinh học và có thể cô “chống Darwin vì không hiểu hết Darwin”!                                

Theo RIA

Theo Tuổi trẻ
  • 1.645