Thuật toán AI mới tạo ra có thể dự đoán sự kiện tự nhiên chính xác, làm tăng độ tin cậy cho giả thuyết thế giới loài người do siêu máy tính tạo ra.
Theo Big Think, nhà nghiên cứu Hong Qin của phòng thí nghiệm vật lý Plasma Princeton (DOE) thuộc bộ năng lượng Mỹ, đã tạo ra thuật toán dự đoán quỹ đạo các hành tinh trong Hệ Mặt Trời.
Từ dữ liệu quỹ đạo Thủy tinh, Kim tinh, Trái Đất, Hỏa tinh, hành tinh lùn Ceres và Mộc tinh, thuật toán có thể dự đoán quỹ đạo của các hành tinh khác mà không cần dùng đến định luật vạn vật hấp dẫn, cũng như các định luật chuyển động của Newton. Nói cách khác, nó có thể tự suy ra định luật chỉ từ số liệu được cung cấp.
Giáo sư Hong Qin bên cạnh quỹ đạo quay của các hành tinh trong Hệ Mặt trời. (Ảnh: Big Think).
Hong Qin cho biết tham số ông sử dụng vẫn tương tự dữ liệu quỹ đạo được hai nhà thiên văn Tycho Brahe và Johannes Kepler tìm ra từ năm 1601.
Giải thích về cách tiếp cận mới lạ của mình, Hong Qin cho biết quy trình thông thường trong nghiên cứu là tìm ra lý thuyết dựa trên quan sát trước đó, rồi sử dụng định luật vừa phát triển để dự đoán những gì xảy ra tiếp theo.
Tuy nhiên, bằng cách sử dụng thuật toán, ông đã đi lối tắt. “Những gì tôi đang làm là thay thế quy trình thường thấy bằng một hộp đen có thể đưa ra dự đoán khá chuẩn, không cần các định luật hay lý thuyết truyền thống. Về cơ bản, tôi đã đi vòng qua các quy tắc cơ bản trong vật lý, trực tiếp từ dữ liệu này sang dữ liệu khác”, nhà vật lý chia sẻ.
Qin cho biết ông được truyền cảm hứng bởi triết gia người Thụy Điển Nick Bostrom, từng đưa ra lập luận thế giới chúng ta đang sống chỉ là giả lập. Triết gia này cho rằng thế giới xung quanh là những điểm dữ liệu được lưu trữ trong ổ cứng của một siêu máy tính khổng lồ. “Con người là những nhân vật đang sống trong thế giới ảo của máy tính", Nick Bostrom nói.
Giáo sư Qin tin rằng thuật toán của mình phần nào củng cố lập luận của Nick Bostrom, rằng tiến bộ công nghệ có thể giúp tạo ra giả lập tương tự thế giới chúng ta đang sống.
"Thuật toán đang chạy trên máy tính của vũ trụ là gì? Tôi cho rằng nó phải là thuật toán đơn giản dựa trên mạng không thời gian rời rạc. Máy tính vũ trụ có bộ nhớ khổng lồ và siêu CPU để tạo ra thế giới phức tạp và phong phú như thế này. Tuy nhiên, thuật toán để chạy chương trình có thể đơn giản”, ông nói.
Nếu các nghiên cứu vật lý hiện tại dựa trên thuyết không thời gian rời rạc, Giáo sư Qin cho rằng thế giới sẽ giống phim “Ma trận” (Matrix), được tạo thành từ các pixel và điểm dữ liệu. (Ảnh: Big Think).
Ông cho rằng "Lý thuyết trường rời rạc" sử dụng trong nghiên cứu của mình đặc biệt phù hợp với máy học, nhưng hơi khó hiểu với "con người hiện tại". “Lý thuyết trường rời rạc có thể xem như khung thuật toán với các tham số điều chỉnh được, có thể được đào tạo bằng cách dùng dữ liệu quan sát”, ông nói thêm. Điều này đồng nghĩa, thuật toán có thể dự đoán các sự kiện diễn ra trong tương lai.
Theo ông, lý thuyết trường rời rạc đi ngược lại với phương pháp nghiên cứu vật lý phổ biến nhất hiện nay được Isaac Newton phát triển, vốn xem không thời gian là liên tục. Nếu các nghiên cứu vật lý hiện tại dựa trên thuyết không thời gian rời rạc, ông cho rằng “nhiều khó khăn sẽ được giải mã”.
Ngoài ra, nếu thực sự hoạt động dựa trên không thời gian rời rạc, thế giới sẽ giống phim “Ma trận” (Matrix), được tạo thành từ các pixel và điểm dữ liệu. Tuy nhiên, dù thuật toán của Qin có thể dự đoán chính xác các sự kiện sắp diễn ra chỉ từ dữ liệu có sẵn, nó không đồng nghĩa chúng ta có thể mô phỏng thực tại. Nhà vật lý cho rằng còn nhiều thế hệ nữa, loài người mới thực hiện được kỳ tích như thế.