Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tuyên bố tê giác đen Tây Phi tuyệt chủng bởi không ai thấy chúng trong 7 năm qua.
IUCN khẳng định tê giác đen Tây Phi đã biến mất vĩnh viễn bởi không ai và không thiết bị nào phát hiện chúng từ năm 2006 tới nay, Science Daily đưa tin.
"Con người, cụ thể là lòng tham của con người, đã khiến chúng tuyệt chủng", IUCN nhận định.
Những người giàu ở châu Á săn lùng sừng tê giác đen vì họ coi chúng là thứ để thể hiện đẳng cấp. (Ảnh: Eastern Echo)
Tê giác đen Tây Phi, một phân loài tê giác đen, từng tồn tại hàng nghìn năm ở khu vực phía nam của châu Phi. Theo một bài báo trên trang Earth First News vào ngày 7/5, nhiều người thèm muốn sừng tê giác đen Tây Phi vì họ nghĩ rằng chúng có thể chữa mọi bệnh tật - từ đau đầu tới ung thư.
SavetheRhino.org, một trang web về bảo tồn tê giác, nói rằng những người giàu ở châu Á tin rằng sừng tê giác là biểu tượng của sự giàu có. Trong y học cổ truyền Trung Quốc, các thầy lang dùng sừng tê giác để trị sốt, co giật, giải độc cho người say rượu.
Mạng lưới giám sát hoạt động buôn bán động, thực vật hoang dã TRAFFIC khẳng định rằng, những lời ca ngợi tác dụng "thần kỳ" của sừng tê giác chỉ là chiêu quảng cáo mà bọn bất lương áp dụng để tăng giá. Toàn bộ loài tê giác đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng bởi một niềm tin phi khoa học và những kẻ bất lương kiếm lợi nhuận khổng lồ bằng cách gieo rắc sợ hãi vào tâm trí của những người giàu.
Bọn săn trộm thường xuyên săn tê giác trong các khu bảo tồn quốc gia. Đôi khi chúng hối lộ nhân viên bảo vệ khu bảo tồn để họ cung cấp thông tin về vị trí mà tê giác thường xuất hiện. Ngày 2/5, trong một cuộc phỏng vấn với AP, Antonio Abacar, một nhân viên bảo vệ trong vườn quốc gia Great Limpopo Transfrontier tại Mozambique, thừa nhận rằng nhiều đồng nghiệp của ông đồng lõa với bọn săn trộm. Theo ông, 30 trong tổng số 100 nhân viên bảo vệ của vườn quốc gia sẽ phải hầu tòa vì hỗ trợ bọn săn trộm tê giác.
Một loài tê giác khác cũng có nguy cơ tuyệt chủng. Tê giác Java, loài động vật sống ở Đông Nam Á, là loài hứng chịu mức độ đe dọa lớn nhất trong số các loài tê giác hiện nay. Con tê giác Java cuối cùng của Việt Nam đã chết vào năm 2010.