Thiên hà nhiều lần đâm xuyên qua dải Ngân Hà

  •  
  • 2.043

Thiên hà lùn Sagittarius cách dải Ngân Hà khoảng 26.000 năm ánh sáng có thể là yếu tố thúc đẩy Mặt Trời hình thành.

Nhà nghiên cứu Tomás Ruiz-Lara tại Viện Vật lý thiên văn Quần đảo Canary, Tây Ban Nha, cùng đồng nghiệp phân tích dữ liệu từ kính viễn vọng không gian Gaia để đo tuổi của những ngôi sao trong vòng 6.500 năm ánh sáng quanh hệ Mặt Trời, New Scientist hôm 25/5 đưa tin.

Đường đi của Sagittarius qua đĩa thiên hà của dải Ngân Hà.
Đường đi của Sagittarius qua đĩa thiên hà của dải Ngân Hà. (Ảnh: New Scientist).

Nhóm chuyên gia phát hiện có ba thời kỳ sao mới tăng cường hình thành, xảy ra khoảng 5,7 tỷ năm, 1,9 tỷ năm và 1 tỷ năm trước. Họ cũng tìm được dấu hiệu cho thấy một đợt bùng nổ sao mới bắt đầu cách đây 70 triệu năm và có vẻ vẫn kéo dài đến nay. Các đợt bùng nổ xảy ra trùng với thời điểm thiên hà lùn Sagittarius đâm xuyên qua dải Ngân Hà.  

Sagittarius quay quanh dải Ngân Hà và cũng là một trong những thiên hà gần nhất. Dù kích thước chỉ bằng chưa đến 1/10 dải Ngân Hà, có vẻ Sagittarius vẫn gây ảnh hưởng lớn đến sự hình thành sao tại đây. Thậm chí hệ Mặt Trời cũng có khả năng hình thành sau vụ va chạm 5,7 tỷ năm trước.

"Dải Ngân Hà đang ở trạng thái cân bằng, tĩnh lặng. Việc Sagittarius đi qua giống như ném một hòn đá xuống hồ", Ruiz-Lara cho biết. Nó tạo thành những gợn sóng trong đám mây khí bụi của dải Ngân Hà, khiến một số khu vực trở nên đậm đặc hơn và bắt đầu hình thành sao mới hiệu quả hơn.

"Có thể nếu thiếu Sagittarius, hệ Mặt Trời sẽ không tồn tại", Ruiz-Lara nhận định. Ông cho biết, thời gian hệ Mặt Trời hình thành khớp với lần đầu tiên Sagittarius đâm vào dải Ngân Hà, nhưng chưa thể khẳng định chắc chắn vụ va chạm là nguyên nhân.

Số vụ va chạm như vậy có thể xảy ra ngày càng thường xuyên vì quỹ đạo của Sagittarius quanh dải Ngân Hà đang thu hẹp. "Sagittarius đang đến gần hơn từng chút một, cuối cùng sẽ sáp nhập với dải Ngân Hà", Ruiz-Lara nói.

Cập nhật: 27/05/2020 Theo VnExpress
  • 2.043