Thiết bị định vị khẩn cấp của máy bay

  •  
  • 759

Bộ phận phát định vị khẩn cấp được thiết kế trên mỗi chiếc máy bay có thể là đầu mối giúp lực lượng cứu hộ xác định vị trí máy bay trong một số trường hợp nhất định.

Bộ phận định vị khẩn cấp (ELT) là thiết bị được thiết kế trên các loại máy bay thương mại, có thể phát tín hiệu khi phi cơ gặp nạn. Khi máy bay rơi, bộ phận ELT sẽ tự động bật ngay lập tức để gửi tín hiệu để lực lượng tìm kiếm có thể xác định được vị trí rơi của máy bay.

Theo chuyên gia an toàn hàng không Todd Curis, ELT về cơ bản là bộ phận đáng tin cậy. Mặc dù vậy, vẫn có khả năng hệ thống này không hoạt động trong một số trường hợp vì lý do nào đó.

Thiết bị định vị khẩn cấp của máy bay
Ảnh: nbcnews

Báo cáo của Hiệp hội Phi công và Máy bay (AOPA) năm 2009 cho thấy tỷ lệ hoạt động của các thế hệ ELT đời đầu, có từ năm 1973, là khoảng 25%. Tỷ lệ này được cải thiện theo thời gian với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, thậm chí đối với cả các thiết bị ELT mới thì khả năng kích hoạt thành công cũng chỉ đạt 82%.

Tín hiệu của ELT được phát đồng nghĩa với khả năng tiếp tục truyền phát thông tin trong vòng 30 ngày. Trong trường hợp máy bay và ELT ở trên mặt đất, nếu nhận được tín hiệu này, lực lượng cứu hộ có thể tìm thấy máy bay nhờ vệ tinh, phi cơ tìm kiếm trên cao hay các công nghệ hiện đại khác.

"Nếu máy bay rơi trên đất liền và có va chạm thì bộ phận ELT vẫn có thể còn hoạt động", NBC News dẫn lời Greg Feith, một điều tra viên của Cơ quan An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ, cho hay. Tuy nhiên, nếu máy bay rơi xuống biển thì mọi việc lại diễn ra theo hướng khác.

Trong trường hợp đó, thiết bị phát tín hiệu định vị dưới nước (ULB) trong hộp đen của phi cơ sẽ phát ra các âm thanh "ping ping". Những âm thanh này có thể được nghe thấy nếu lực lượng tìm kiếm tiếp cận đủ gần vị trí của thiết bị. Tín hiệu sẽ không được xác định nếu hoạt động tìm kiếm chỉ dựa vào máy bay trên cao.

Ngoài ELT, đội tìm kiếm cũng có thể sử dụng máy phát siêu âm để xác định vị trí của máy bay dưới biển. Mặc dù vậy, David Gallo, một chuyên gia của Viện Hải dương học Woods Hole, Mỹ, cho biết ông không tin tưởng vào tính chính xác của máy phát siêu âm nếu được sử dụng để tìm kiếm phi cơ mất tích, bởi hoạt động trong lòng đại dương có thể tạo ra nhiều âm thanh giả.

Sau 4 ngày tìm kiếm máy bay mất tích của hãng hàng không Malaysia Airlines mà không có dấu hiệu khả quan, các chuyên gia cho rằng không có gì ngạc nhiên khi chưa có một tín hiệu khẩn cấp nào được ghi nhận, đặc biệt nếu chiếc máy bay đã rơi xuống biển.

Đại diện của hãng sản xuất máy bay thương mại Boeing vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về loại ELT được thiết kế trên chiếc máy bay Boeing 777-200 bị mất tích. Theo kinh nghiệm của Curtis, người từng làm việc cho Boeing hơn 8 năm với vai trò là một kỹ sư an toàn máy bay, thì hãng hàng không Malaysia Airlines có thể đã cập nhật phiên bản ELT mới.

Theo VNE
  • 759