Thiết bị không dây theo dõi sức khỏe xương

  •  
  • 62

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Arizona (Mỹ) đã phát triển một thiết bị không dây siêu nhỏ liên kết vĩnh viễn vào xương có khả năng truyền dữ liệu ra ngoài.

Bước đột phá này có thể cho phép các bác sĩ theo dõi tình trạng xương của bệnh nhân theo thời gian thực, hoặc mức độ hồi phục sau chấn thương.

Thiết bị có thể được cấy ghép vào người mắc các chứng bệnh như loãng xương.
Thiết bị có thể được cấy ghép vào người mắc các chứng bệnh như loãng xương.

Phát minh mới được nhóm nghiên cứu gọi là thiết bị “bề mặt xương”. Thiết bị này chứa một loạt cảm biến được đưa vào khu vực có kích thước bằng đồng xu và mỏng như một tờ giấy. Các cảm biến có thể truyền dữ liệu về xương tới điện thoại thông minh hoặc thiết bị khác.

Đặc biệt, thiết bị không cần pin để chạy. Thay vào đó, nguồn điện có thể được truyền từ bên ngoài bằng cách sử dụng giao tiếp trường gần (NFC).

Để giữ thiết bị gắn vào xương lâu dài, nhóm nghiên cứu đã tạo ra một chất kết dính. Chất này chứa các hạt canxi photphat, cho phép xương thực sự phát triển trên đó. Nhờ đó, thiết bị có thể liên kết vĩnh viễn với xương. Các thiết bị được thiết kế đủ mỏng để không gây khó chịu cho người dùng khi các cơ di chuyển.

Nhóm nghiên cứu bày tỏ hy vọng, những thiết bị như vậy có thể được cấy ghép vào người mắc các chứng bệnh như loãng xương. Nhờ đó, thiết bị có thể theo dõi sức khỏe xương của người bệnh một cách lâu dài. Ngoài ra, thiết bị cũng có khả năng hỗ trợ sau khi bệnh nhân bị gãy xương. Việc hỗ trợ này sẽ cho phép các bác sĩ theo dõi cách xương lành lại.

Ông Philipp Gutruf - đồng tác giả của nghiên cứu - cho biết: “Có thể theo dõi sức khỏe của hệ thống cơ xương là điều cực kỳ quan trọng. Với giao diện này, về cơ bản, chúng ta có một máy tính trên xương.

Nền tảng công nghệ này cho phép chúng tôi tạo ra các công cụ điều tra phục vụ cho các nhà khoa học. Nhờ đó, có thể khám phá cách hệ thống cơ xương hoạt động. Đồng thời, giúp sử dụng thông tin thu thập được để phục hồi và trị liệu”.

Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm thiết bị này trên động vật. Kết quả cho thấy, thiết bị có thể được cấy ghép vào các mô hình động vật lớn và nhỏ. Dữ liệu từ thiết bị có thể được đọc bằng điện thoại thông minh.

Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, công trình nghiên cứu này hiện vẫn ở giai đoạn đầu. Để đưa thiết bị này vào ứng dụng, nhóm nghiên cứu sẽ cần thời gian dài. Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Nature Communications.

Cập nhật: 30/11/2021 Theo GD&TĐ
  • 62