Thời tàn của gian lận trong game

  •  
  • 134

Suốt một thời gian dài, những kẻ gian lận coi cộng đồng game online như một sân chơi "mặc sức tung hoành". Tuy nhiên, các hãng phát hành game không thể chịu trận mãi trước sự áp đảo này. Họ tìm đến các lực lượng cứu viện ngày càng nhiều trong cuộc chiến không khoan nhượng này. 

"Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để quét sạch toàn bộ những chương trình lừa đảo đang bị cài cắm trong Quake III", ông Todd Hollenshead, giám đốc điều hành id Software, hãng chuyên phát triển game cho Activision, nói.

Ngay trước khi phát hành trò "Return to Castle Wolfenstein" vào năm 2002, id Software đã nhận ra rằng "mình tham gia một trận chiến thua chắc", Hollenshead kể lại.

Khi hãng game phản pháo

Nguồn: Download.com
Vì lẽ đó, id Software đã ký hợp đồng với hãng phần mềm chống lừa đảo hàng đầu là Even Balance để phát triển một phần mềm riêng cho hãng. Bốn năm sau, công nghệ PunkBuster đã có mặt trong toàn bộ những game mà id Software phát hành.

Giờ thì noi gương id Software, giới phát triển game MMOG (nhập vai nhiều người chơi) và cả các hãng phát hành game đều đổ xô đến Even Balance nhằm trang bị vũ khí cho cuộc chiến chống lại những kẻ lừa đảo và gian lận.

Nhưng tất cả đều ngầm hiểu với nhau, bản thân người chơi cũng giữ một vai trò quan trọng không kém trong việc tóm cổ những tên lừa bịp. "Chúng tôi dựa vào báo cáo từ người dùng để phát hiện và loại bỏ những góc tối", người phát ngôn của Sony Online Entertainment cho biết.

Không được phép thua

Không bao giờ được nghĩ đến chuyện thua thì sao, Hollenshead nói. Những kẻ lừa đảo gây hại cho ngành công nghiệp game theo một hiệu ứng domino, đúng kiểu "con sâu làm rầu nồi canh".

"Giống như những loại ma túy doping trong thi đấu thể thao chuyên nghiệp vậy. Kể cả khi không phải ai cũng xài doping, toàn bộ ngành thể thao vẫn phải mang tiếng nhơ . Công chúng không còn tôn trọng thành tích của vận động viên trung thực nữa. Chẳng mấy chốc, không còn ai muốn thi đấu, không còn ai muốn để tâm đến nữa".

Tham chiến

Tony Ray, chủ tịch Even Balance, cho biết ngày càng có nhiều hãng phát triển game nhận ra tính hợp lý và tiết kiệm khi outsource cuộc chiến chống gian lận cho những hãng thứ ba. "Đội ngũ nhân viên không chuyên sẽ không thể đối phó được với những kẻ lừa đảo ranh ma", ông nói. "Cần có những coder được trả lương cực cao, dành thời gian để nghiên cứu cách chống gian lận
".

Gần đây, Even Balance lại ký hợp đồng với hãng phát hành game K2 Networkd để chạy thử một phần mềm bảo vệ trên game Knights Online - game đang được download nhiều nhất trên trang download.com. Cơ chế hoạt động của phần mềm này giống hệt như một phần mềm diệt virus vậy.

Theo lời Ray thì Even Balance đang xúc tiến hợp đồng với nhiều game MMOG khác, dự kiến công bố công khai trong vòng 2-3 tuần nữa. Ray bật mí rằng đây đều là những game MMOG rất phổ biến hiện nay.

Người chơi cũng phải hành động

Cả Ray lẫn Hollenshead đều khuyến khích game thủ nên chụp lại màn hình mỗi khi cảm thấy nghi ngờ rằng mình đang bị gian lận hay lừa đảo, sau đó thông báo ngay cho admin và gửi hình chụp cho PunkBuster.

Ngoài ra, Ray còn gợi ý rằng người chơi nên tham gia những nhóm chống gian lận và chỉ chơi với những thành viên nằm trong nhóm đó mà thôi.

Đối với game MMOG, người chơi nên báo cáo bất cứ hành vi nào vi phạm quy định của dịch vụ tới hãng cung cấp. Tất nhiên, trước khi báo cáo, hãy cân nhắc và phân tích tình huống cẩn thận cái đã. "Kẻo rồi lại nhìn đâu cũng thấy kẻ xấu", Hollenshead cảnh báo.

Thiên Ý
Theo PC World
  • 134