Nước Pháp ngày hôm qua bắt đầu bước vào một đợt nắng nóng mới. Nhiệt độ cao nhất dự báo lên tới hơn 40 độ C vào ngày hôm nay và sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử nước Pháp ghi nhận mức nhiệt vượt 40 độ C trước mùa hè.
Cô Ludivine Florentin - Người dân Pháp nói: "Thật đáng sợ bởi vì năm ngoái chúng tôi đã có một mùa hè khá tồi tệ, bây giờ mới tháng 6 mà nhiệt độ đã là 37 độ C. Thời tiết ngày càng bất thường".
Các đợt nắng nóng bất thường đang xảy ra thường xuyên hơn tại Pháp. Tháng 5 năm nay cũng là tháng nóng nhất từ trước tới nay dù chưa bước vào mùa hè.
Còn tại Tây Ban Nha, người dân đang phải đối mặt với những ngày nắng nóng đến sớm nhất trong hơn 40 năm. Đợt nắng nóng khiến nhiệt độ tại nhiều vùng ở Tây Ban Nha vượt quá 40 độ C, cao hơn đáng kể so với mức bình thường thời điểm này trong năm, nhiệt độ ngoài trời ở thành phố Seville, miền Nam nước này lên tới 48 độ C.
Cô Esther Sanchez - Người dân Madrid, Tây Ban Nha: "Thời tiết càng ngày càng tồi tệ hơn. Cơ thể tôi mỗi năm cảm thấy khó khăn hơn để chống chọi với nắng nóng, không chỉ khi làm việc mà cả khi chúng tôi nghỉ ngơi vào ban đêm".
Lần đầu tiên trong lịch sử, nước Pháp ghi nhận mức nhiệt vượt 40 độ C trước mùa hè.
Đợt nắng nóng sớm bất thường này diễn ra sau khi Tây Ban Nha đã trải qua mùa xuân nóng bức với nhiệt độ ngang mức trung bình thường thấy vào tháng 7 và tháng 8 hàng năm. Đợt nắng nóng này dự kiến kéo dài tới 18/6, với nhiệt độ cao hơn từ 7 tới 12 độ C so với mức trung bình thời điểm này trong năm.
Thời tiết cực đoan ngày càng khắc nghiệt
Biến đổi khí hậu khiến những sự kiện thời tiết cực đoan diễn ra mạnh mẽ và thường xuyên hơn. Những gì được coi là bất thường giờ đang diễn ra thường xuyên hơn và sắp trở thành bình thường tại châu Âu.
Châu Âu đã trải qua ngày nóng nhất, mùa hè nóng nhất, cháy rừng nghiêm trọng và lũ lụt lịch sử trong năm năm 2021. Thông tin báo cáo do Cơ quan giám sát khí hậu của EU công bố hồi tháng tư vừa qua, đó là đợt nắng nóng đặc biệt nghiêm trọng ở Địa Trung Hải đã gây ra nhiều vụ cháy rừng thiêu rụi diện tích hơn 800.000 ha ở ba nước Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Italy. Trong khi đó, lượng mưa cao kỷ lục gây lũ lụt tàn phá trên khắp nước Bỉ và miền Tây Đức khiến hơn 200 người thiệt mạng.
Ông Frederic Nathan - Cơ quan dự báo khí tượng Pháp phân tích: "Khi chúng ta nhìn vào các sóng nhiệt, chúng ta có nhiều sóng sau thập niên 1980 hơn so với giai đoạn trước thập niên 1980. Những đợt nắng nóng này có khả năng kéo dài trong suốt mùa hè. Vài thập kỷ trước thì nắng nóng xảy ra chủ yếu vào tháng 7 và tháng 8".
Thiệt hại kinh tế do biến đổi khí hậu tại châu Âu đã lên tới 12 tỷ euro mỗi năm
Bề mặt Trái Đất năm ngoái nóng hơn gần 1,2 độ so với thời kỳ tiền công nghiệp, tuy nhiên, mức tăng trung bình ở châu Âu là hơn 2 độ. Đây là ngưỡng mà các hiện tượng thời tiết cực đoan nguy hiểm có xác suất xảy ra cao hơn và cường độ mạnh hơn.
Ông Robert Habeck - Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức nói: "Hiện tượng nóng lên toàn cầu sẽ tiếp tục diễn ra, chúng ta không thể đảo ngược được. Câu hỏi duy nhất mà chúng ta cần thảo luận đó là liệu sự nóng lên toàn cầu có thể làm chậm lại thông qua hành động chính trị không - trong vòng vài năm tới chứ không phải 30 năm tới mà là 4, 5, 10 năm tới".
Hiện EU đang thảo luận về một gói biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó có đề xuất cải tổ thị trường carbon nhằm giảm phát thải, cấm bán ô tô sử dụng động cơ đốt trong vào năm 2035 và đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo. Các đề xuất này được đưa ra nhằm giảm 55% lượng khí thải nhà kính của EU vào năm 2030 so với các mức của năm 1990.
Hiện mức thiệt hại kinh tế do biến đổi khí hậu tại châu Âu đã lên tới 12 tỷ euro mỗi năm và con số này được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng. Ngoài mục tiêu trọng yếu là giảm phát thải, Ủy ban châu Âu cũng đang có kế hoạch xây dựng một kho dữ liệu để dự đoán và thích ứng với những tác động ngày càng tăng của tình trạng biến đổi khí hậu.