Thời tiết cực đoan càn quét toàn cầu là "bất thường mới", năm 2024 có thể còn nóng hơn năm nay

  •  
  • 170

Thời tiết mùa hè này ở Bắc bán cầu đang diễn ra như trong kịch bản một bộ phim về ngày tận thế: Nắng nóng, lũ lụt và hỏa hoạn/cháy rừng diễn ra khắp nơi. Nhưng các nhà khoa học cảnh báo đây có thể chỉ là bắt đầu của sự hỗn loạn khó lường sẽ xảy ra nếu thế giới tiếp tục gây ô nhiễm, làm nóng hành tinh.

Mới qua hơn nửa tháng 7 mà hàng loạt kỷ lục thời tiết khắc nghiệt đã bị phá vỡ

Một đợt nắng nóng kéo dài không ngớt đã thiêu đốt một phần không nhỏ miền Nam và Tây Nam Hoa Kỳ. Nhiệt độ ở Phoenix, Arizona, đã đạt ít nhất 43,3 độ C trong kỷ lục khoảng 20 ngày liên tiếp, các khoa cấp cứu tràn ngập những ca nhập viện liên quan đến nhiệt.

Nam Âu đang trải qua một trong những đợt nắng nóng khắc nghiệt nhất được ghi nhận, khi đồng thời cháy rừng hoành hành ở Hy Lạp, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ. Ở châu Á, nhiệt độ đã tăng lên trên 50 độ C tại Trung Quốc, trong khi một phần của Hàn Quốc, Nhật Bản và miền bắc Ấn Độ đang trải qua lũ lụt chết người.

Máy bay trực thăng quân sự xả nước vào đám cháy ở làng Pournari gần Athens vào ngày 18/7.
Một máy bay trực thăng quân sự xả nước vào đám cháy ở làng Pournari gần Athens vào ngày 18/7.

Lũ lụt dữ dội ở Ấn Độ khiến ít nhất 100 người thiệt mạng, The Washington Post đưa tin. Dòng nước tràn vào cũng phá hủy một phần đường cao tốc và các cơ sở hạ tầng khác. Tikender Singh Panwar, cựu phó thị trưởng Shimla, một trong những thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, nói: "Đó là một trong những trận lũ lụt tồi tệ nhất mà tôi từng thấy trong đời. Đó thực sự là một thảm họa. Chúng ta có thể hiểu rằng lý do chính là do biến đổi khí hậu. Điều đó không mới".

Nhân viên phân phát vật phẩm cứu trợ cho những người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt
Nhân viên của Lực lượng ứng phó thảm họa quốc gia (NDRF) phân phát vật phẩm cứu trợ cho những người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt bị mắc kẹt ở vùng trũng quanh sông Yamuna ở New Delhi, Ấn Độ hôm 14/7.

Lực lượng cứu hộ lội xuống một đường hầm dưới lòng đất tìm kiếm người mắc kẹt
Lực lượng cứu hộ lội xuống một đường hầm dưới lòng đất để tìm kiếm những người bị mắc kẹt và mất tích trong trận lũ lớn hồi giữa tháng 7 tại Hàn Quốc.

Từ ngày 3 đến ngày 6/7 là 4 ngày nóng nhất được ghi nhận trên toàn cầu, trong đó nóng nhất là vào ngày 6/7, khi nhiệt độ trung bình toàn cầu "tăng lên mức chưa từng thấy là 17,23°C", theo Axios.

Các đám cháy rừng ở Canada cũng tiếp tục hoành hành, thiêu rụi gần 25 triệu mẫu Anh khi chúng làm gián đoạn chất lượng không khí ở các vùng khác nhau của Hoa Kỳ.

Trong một tuyên bố hôm 18/7, Petteri Taalas, Tổng thư ký của Tổ chức Khí tượng Thế giới, đã gọi đợt thời tiết khắc nghiệt không ngừng này là "điều bình thường mới".

Điều bất thường mới và tương lai bất định

Nhưng một số nhà khoa học hiện đang phản đối định nghĩa đó.

Cô Hannah Cloke, một nhà khoa học khí hậu và giáo sư tại Đại học Reading ở Anh, cho biết: "Khi tôi nghe thấy như thế, tôi hơi bực mình vì nó không thực sự là bình thường mới. Trừ khi chúng ta ngừng bơm khí nhà kính vào bầu khí quyển, chúng ta không biết tương lai sẽ như thế nào".

Cô là một trong số nhiều nhà khoa học cảnh báo rằng, mặc dù mùa hè năm nay rất tồi tệ nhưng đó mới chỉ là bắt đầu. Họ cho rằng chừng nào nhiệt độ toàn cầu còn tiếp tục tăng, thế giới nên chuẩn bị tinh thần cho những tác động ngày càng leo thang.

Ông Michael E. Mann, một nhà khoa học khí hậu và giáo sư nổi tiếng tại Đại học Pennsylvania, muốn mô tả thời tiết mà chúng ta đang thấy là "điều bất thường mới".

Ông nói với CNN rằng trạng thái bình thường mới "truyền tải sai ý tưởng rằng chúng ta vừa đến một trạng thái khí hậu mới và chúng ta chỉ cần thích nghi với nó".

"Nhưng nó còn tệ hơn thế nhiều. Các tác động ngày càng trở nên tồi tệ hơn khi việc đốt nhiên liệu hóa thạch và sự nóng lên vẫn tiếp diễn. Đó là một thay đổi cơ sở của các tác động tàn khốc hơn bao giờ hết khi mà Trái đất vẫn tiếp tục ấm lên".

Đối với các nhà khoa học như Mann và Cloke, thời tiết khắc nghiệt năm nay phần lớn không có gì đáng ngạc nhiên. Sự phát triển của El Niño, một hiện tượng tự nhiên có tác động làm nóng lên toàn cầu, chỉ làm gia tăng thêm sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra trong thời gian dài, dự kiến sẽ có tác động lớn.

Khi cuộc khủng hoảng khí hậu tiếp tục tồi tệ đi, con người sẽ đối mặt ngày càng nhiều bất ngờ hơn.

Peter Stott, một nghiên cứu sinh về khí hậu tại Cơ quan khí tượng Vương quốc Anh, cho biết: "Các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ tiếp tục trở nên khốc liệt hơn và các kiểu thời tiết của chúng ta có thể thay đổi theo những cách mà chúng ta chưa thể dự đoán được".

"Trong một số trường hợp, sức nóng, hỏa hoạn và lũ lụt đã vượt quá những gì mà các mô hình khí hậu đã dự đoán", Mann nói.

Mann thông tin thêm, các nghiên cứu khoa học mới nhất cho thấy rằng, sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu sẽ dừng lại gần như ngay lập tức sau khi chúng ta ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch.

Mùa hè này cung cấp thêm bằng chứng cho thấy mọi mọi đóng góp nhỏ nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu của thế giới đều có giá trị, Cloke nói với CNN. Hành tinh ấm hơn khoảng 1,2 độ C so với trước cuộc cách mạng công nghiệp - vẫn thấp hơn mức 1,5 độ C mà các nhà khoa học cảnh báo nên duy trì. Nhưng ngay cả bây giờ, hậu quả là chết người và sâu rộng.

 Sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu sẽ dừng lại sau khi chúng ta ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch.
 Sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu sẽ dừng lại sau khi chúng ta ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch. (Ảnh minh họa).

2024 sẽ là năm nóng nhất lịch sử

"El Niño mới chỉ bắt đầu trong những tháng gần đây và do đó chưa có tác động lớn đến nhiệt độ cực đoan mà mọi người trên toàn cầu đang trải qua vào mùa hè này", Gavin Schmidt, nhà khí hậu học và giám đốc Viện Nghiên cứu Vũ trụ Goddard của NASA, cho biết.

Schmidt nói với các phóng viên: "Nó thực sự chỉ mới xuất hiện và vì vậy những gì chúng ta đang thấy không thực sự là do El Niño. Những gì chúng ta đang thấy là hơi ấm tổng thể ở hầu hết mọi nơi - đặc biệt là ở các đại dương. Lý do tại sao chúng tôi nghĩ rằng tình trạng này sẽ tiếp tục là bởi vì loài người tiếp tục thải khí nhà kính vào bầu khí quyển. Trừ khi chúng ta ngừng làm điều đó, nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng".

Tháng trước là tháng 6 nóng nhất được ghi nhận đối với hành tinh, Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của EU đã báo cáo vào đầu tháng này. Vài ngày trong tháng 7 là những ngày nóng nhất hành tinh trong các kỷ lục hiện đại được lưu giữ bởi hai cơ quan khí hậu lớn ở Hoa Kỳ và Châu Âu.

Tất cả sức nóng chúng ta đang trải qua vẫn sẽ tăng lên và Schmidt cho biết ông tin rằng có 50-50 khả năng năm 2023 sẽ là năm nóng nhất được ghi nhận.

Là bởi vì, ông nói thêm, có khả năng một năm 2024 ngột ngạt sẽ vượt quá mức đó, chính xác là do ảnh hưởng của El Niño.

Schmidt cho biết: "Chúng tôi dự đoán rằng năm 2024 sẽ là một năm thậm chí còn ấm hơn bởi vì chúng ta sẽ bắt đầu với sự kiện El Niño. Điều đó sẽ đạt đỉnh điểm vào cuối năm nay và mức độ ảnh hưởng sẽ tác động đến số liệu thống kê của năm sau".

Các nhà khoa học cũng thảo luận về tác động tàn khốc của biến đổi khí hậu đối với đại dương trên Trái đất, khi nhiệt độ Bắc Đại Tây Dương tăng vọt vào mùa hè này.

Carlos Del Castillo, Giám đốc Phòng thí nghiệm Sinh thái Đại dương của NASA, cho biết: "Các đại dương đang "lên cơn sốt". Vấn đề với nhiệt độ đại dương không phải là vấn đề tồn tại trong đại dương - nó ảnh hưởng đến mọi thứ khác". Castillo lưu ý rằng nhiệt độ đại dương nóng hơn có thể khiến các cơn bão mạnh hơn và khiến mực nước biển dâng cao do băng tan.

Cập nhật: 25/07/2023 PNVN
  • 170