Thú có túi Australia giao tiếp qua... phân

  •  
  • 471

Loài thú có túi đuôi đốm cô độc sống ở khu rừng hoang dã Australia thường viếng thăm các toilet ngoài trời và để lại "chất thải" của mình khi muốn giao tiếp với các con khác.

Nhà nghiên cứu Monica Ruibal tại Đại học quốc gia Australia cho biết loài vật mang tên quoll này gia tăng lượng chất thải của mình vào mùa sinh sản, chứng tỏ phân của chúng đóng một vai trò trong việc sinh sản.

Quoll là loài thú có túi ăn thịt cô độc có kích thước của một con mèo nhà. Do chúng không tụ tập thành nhóm, nên phải cần một cách để phân chia lãnh thổ và giao tiếp trong mùa sinh sản. Nghiên cứu của Ruibal cho thấy chúng làm việc đó bằng cách để lại phân tại những địa điểm nổi bật.

Trong trường hợp của quoll đuôi đốm sinh sống tại Công viên quốc gia Kosciuszko, chúng để lại dấu ấn của mình trên những đồi đất đá dọc theo những nhánh sông với thềm đá lớn.

Trong nghiên cứu kéo dài một năm của mình, Ruibal đi tới hơn 100 "bãi thải" mỗi năm, thu thập chất thải và phân tích ADN.

Trong mùa sinh sản của quoll, từ tháng 3 đến tháng 6, Ruibal phát hiện thấy số phân trên thềm đá của con sông gia tăng đáng kể, trong khi số phân trên các vùng đất đá thì giảm. Điều đó cho thấy thềm đá là nơi giao lưu chính của chúng. Nhưng Ruibal vẫn chưa chắc liệu thềm đá có phải là nơi giao phối của quoll hay không.

Ruibal cho rằng kết quả cũng chứng tỏ mùi hương để lại ở bãi thải đóng một vai trò quan trọng trong việc sinh sản. "Có thể các con vật muốn nói rằng: 'Tôi đang ở đây và tôi sẵn sàng để kết đôi'".

M.T. (theo ABC Online)

Theo Vnexpress
  • 471