Báo Le Monde mới đây có bài “Bangkok đang chìm dần xuống biển”, trong đó cảnh báo đến năm 2030, một phần của thủ đô Thái Lan sẽ bị ngập nước.
Biến đổi khí hậu, hiện tượng mực nước biển dâng cao, tình trạng bào mòn bờ biển, nền đất sét yếu… nhiều yếu tố cộng lại đe dọa Bangkok. Thêm vào đó, dân số thành phố này ngày càng tăng, với hơn 10 triệu dân cộng thêm tình trạng nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều cũng góp phần “nhấn chìm” thành phố. Hiện tại, một phần lớn thủ đô của Thái Lan thấp hơn mực nước biển. Mỗi năm nền đất lún khoảng từ 1,5 đến 5,3 cm.
Biến đổi khí hậu, hiện tượng mực nước biển dâng cao, tình trạng bào mòn bờ biển, nền đất sét yếu… đe dọa Bangkok.
Theo dự báo, trong tương lai, 90% nhà ở tại Bangkok sẽ bị nước biển đe dọa, tầng trệt của các tòa nhà có thể sẽ bị ngập nước khoảng 10 cm một thời gian trong năm. Mặc dù viễn cảnh ngày càng u ám, song Chính phủ Thái Lan vẫn chưa hề có kế hoạch chính thức nào. Theo một quan chức phòng chống thiên tai Thái Lan, nếu chính phủ không hành động sớm, Bangkok sẽ bị nhấn chìm vào năm 2030.
Về giải pháp, các chuyên gia có vẻ không thống nhất. Có người cho rằng nên xây đập ngăn lũ dọc bờ biển, có người kêu gọi tăng cường quản lí đất xây dựng trong thành phố, có người coi trọng giải pháp dựng nhà sàn như trước kia.
Le Monde cho biết, trước kia, trong khu vực này, có nhiều kênh rạch, vườn cây và đồng lúa, bởi thế một lượng lớn nước lũ đã được giải phóng. Theo thời gian, với tốc độ đô thị hóa như vũ bão, người ta đã xây dựng nhiều tòa nhà trên các mảnh đất này, vì thế nước lũ không còn chỗ thoát nữa. Trong bối cảnh đó, Le Monde kêu gọi các chuyên gia nên nhanh chóng tìm tiếng nói chung để chuẩn bị tốt “công cuộc giải cứu” thủ đô Bangkok.