Công nghệ được kỳ vọng sẽ khử trên 90% dioxin nhiễm trong đất và 70% diện tích đất nhiễm độc được khôi phục, tái sử dụng.
Chiều 4/9, Bộ Quốc phòng và Tập đoàn Shimizu đã công bố biên bản ghi nhớ hợp tác và kế hoạch thử nghiệm công nghệ rửa đất ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa (Đồng Nai).
Xử lý đất nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng năm 2016. (Ảnh: MT).
Theo kế hoạch, đến cuối tháng 12/2018 Tập đoàn Shimizu sẽ mang một nhà máy làm sạch từ Nhật Bản, lắp ráp và vận hành thử nghiệm tại sân bay Biên Hòa. Nhà máy có công suất tối đa 40 tấn/giờ, bắt đầu vận hành từ tháng 1/2019.
Với công nghệ này, đất ô nhiễm sẽ được sàng để phân cỡ hạt, rồi rửa và chà. Sau đó sẽ tuyển nổi để các chất ô nhiễm nổi lên, dính vào bề mặt của các bọt khí và được lấy ra.
Trước đây đất bị nhiễm dioxin thường được xử lý bằng cách xử lý gia nhiệt (ở nhiệt độ trên 850 độ C). Theo cách này chi phí xử lý sẽ cao và đòi hỏi quy trình quản lý khí thải nghiêm ngặt.
Công nghệ rửa chi phí thấp hơn và ít tác động đến môi trường. Sau khi rửa, kết hợp với công nghệ đốt, chi phí làm sạch đất chỉ bằng một nửa so với công nghệ đốt thông thường. Công nghệ này cho phép khử sạch trên 90% dioxin trong đất và khôi phục 70% vùng đất bị nhiễm độc có thể tái sử dụng.
Các chuyên gia và đại biểu trao đổi về công nghệ rửa đất trong chiều 4/9 tại Hà Nội. (Ảnh: AT).
Hiện Việt Nam có 28 điểm bị nhiễm dioxin, trong đó có các sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa, Phù Cát... vốn là các sân bay quân đội Mỹ từng sử dụng trong chiến tranh. Tại sân bay Biên Hòa ước tính có lượng đất ô nhiễm dioxin lớn nhất cả nước, khoảng 850.000 tấn.
Trước đó đã có 13ha đất tại sân bay Đà Nẵng được làm sạch dioxin bằng công nghệ khử hấp thụ nhiệt.
Chính phủ đặt mục tiêu làm sạch các vùng đất ô nhiễm trên toàn quốc từ nay cho đến năm 2030. Hiện Bộ Quốc phòng là đơn vị chủ trì dự án đang trong quá trình lựa chọn công nghệ để làm sạch đất ô nhiễm trong thời gian sớm nhất.