Thủ phạm giấu mặt khiến Napoleon đại bại ở trận Waterloo

  •  
  • 1.227

Napoleon Bonaparte không lường tới một thảm họa phun trào núi lửa ở đầu bên kia thế giới đã góp phần khiến ông thất bại trước liên quân ở Waterloo.

Một vụ phun trào núi lửa dữ dội ở Indonesia dẫn tới điều kiện ẩm ướt và lầy lội, góp phần vào thất bại của hoàng đế Napoleon Bonaparte trong trận Waterloo, theo Phys.org. Nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Địa chất học mối liên quan giữa vụ phun trào núi lửa Tambora và trận chiến.

Các nhà sử gia biết điều kiện mưa ẩm và bùn lầy đã giúp liên quân do Anh đứng đầu đánh bại hoàng đế Pháp Napoleon khi giao chiến ở Waterloo. Trận đánh vào ngày 18/6/1815 đã thay đổi hoàn toàn lịch sử châu Âu. Trước đó hai tháng, núi lửa Tambora trên đảo Sumbawa, Indonesia, phun trào, giết chết 100.000 người và khiến Trái Đất trải qua một năm không có mùa hè vào năm 1816.

Waterloo là trận chiến cuối cùng của hoàng đế Pháp Napoleon.
Waterloo là trận chiến cuối cùng của hoàng đế Pháp Napoleon. (Ảnh: Hulton Archive).

Tiến sĩ Matthew Genge ở Khoa khoa học Trái Đất và công trình, Đại học Imperial College London, phát hiện tro núi lửa tích điện từ vụ phun trào có thể tạo thành mạch ngắn dẫn dòng điện ở tầng điện ly, tầng bên trên của khí quyển chịu trách nhiệm hình thành đám mây. Tiến sĩ Genge chỉ ra vụ phun trào núi lửa Tambora kéo theo mây giông, gây mưa lớn trên khắp châu Âu, góp phần vào thất bại của hoàng đế Napoleon.

Nghiên cứu phát hiện những vụ phun trào có thể phun tro bụi vào khí quyển ở độ cao lớn hơn nhiều so với nhận định trước đây, cách mặt đất 100km. "Trước đây, các nhà địa chất học cho rằng tro bụi núi lửa bị mắc kẹt ở tầng khí quyển bên dưới, bởi cột tro bốc lên trôi nổi. Tuy nhiên, nghiên cứu của tôi chứng minh tro bụi có thể phun thẳng lên tầng khí quyển bên trên nhờ lực điện", tiến sĩ Genge nói.

Một loạt thí nghiệm cho thấy lực tĩnh điện có thể nâng tro bụi lên cao hơn nhiều so với bay trôi nổi. Tiến sĩ Genge tạo ra mô hình để tính toán tro núi lửa tích điện có thể lơ lửng bao xa, và nhận thấy các hạt có đường kính nhỏ hơn 0,2 phần triệu mét có thể lên tới tầng điện ly trong những vụ phun trào lớn. "Cột tro và tro bụi núi lửa có thể tích điện âm, cột tro đẩy tro bụi đi, nâng chúng lên cao. Tác động rất giống hai nam châm bị đẩy ra xa nhau nếu hai đầu cùng dấu", tiến sĩ Genge giải thích.

Kết quả thí nghiệm thống nhất với những ghi chép trong lịch sử từ các vụ phun trào khác. Ghi chép về thời tiết rất ít ỏi vào năm 1815, do đó để kiểm tra giả thuyết của mình, tiến sĩ Genge xem xét ghi chép thời tiết sau vụ phun trào năm 1883 của một ngọn núi lửa Indonesia khác, Krakatau. Dữ liệu cho thấy nhiệt độ trung bình và lượng mưa thấp hơn gần như ngay sau khi vụ phun trào bắt đầu, và lượng mưa toàn cầu trong vụ phun trào thấp hơn so với khoảng thời gian trước và sau đó.

Tiến sĩ Genge cũng tìm thấy báo cáo ghi nhận rối loạn ở tầng điện ly sau vụ phun trào năm 1991 của núi lửa Pinatubo, Philippines, có thể do tro bụi tích điện bay tới tầng này từ cột tro. Ngoài ra, có một loại mây đặc biệt xuất hiện thường xuyên hơn sau vụ phun trào núi lửa Krakatau. Mây dạ quang phát sáng rất hiếm gặp và hình thành ở tầng điện ly. Tiến sĩ Genge cho rằng những đám mây này cung cấp bằng chứng về tro bụi nhiễm tích điện lơ lửng từ vụ phun trào lớn.

Cập nhật: 23/08/2018 Theo VNE
  • 1.227