Thùng rác thông minh "biết" báo đầy của sinh viên ĐH Hoa Sen

  •  
  • 1.355

Ngoài chức năng thông tin cho người quản lý biết được lượng rác thải để thuận lợi hơn trong việc thu gom, trong tương lai, sản phẩm thùng rác thông minh còn có khả năng phát wifi cho người sử dụng tại nơi công cộng.

Sản phẩm độc đáo này do nhóm sinh viên ngành công nghệ mạng máy tính, truyền thông trường ĐH Hoa Sen (TP.HCM) nghiên cứu phát triển, giúp kiểm soát được lượng rác thải trong thùng và thông báo trên máy tính.

Theo Trần Hữu Phát, trưởng nhóm nghiên cứu, với cơ chế thu gom rác truyền thống, việc thu gom rác theo lộ trình cố định và lịch trình cố định bộc lộ nhiều nhược điểm. Việc theo lộ trình cố định sẽ dẫn đến tình trạng xe gom rác chạy đến tất cả các thùng rác kể cả các thùng rác chưa đầy, điều này tốn thời gian và nhiên liệu cho các xe tải thu gom rác. Việc gom rác theo lịch trình khiến các thùng rác có thể quá tải trước khi được gom.

Bạn Nguyễn Cẩm Hồng Phước, một thành viên của nhóm dự án Thùng rác thông minh bên cạnh sản phẩm.
Bạn Nguyễn Cẩm Hồng Phước, một thành viên của nhóm dự án Thùng rác thông minh bên cạnh sản phẩm. (Ảnh: Nhóm cung cấp).

"Thực tế đó đã khiến nhóm muốn tạo ra một giải pháp cho phép nhà quản lý biết được tình trạng thùng rác để có chiến lược điều phối xe hiệu quả. Đồng thời giúp người dân tìm thùng rác trống dễ dàng hơn, tạo vẻ đẹp mỹ quan đô thị" - Phát chia sẻ.

Sau nhiều tháng nghiên cứu tỉ mỉ, nhóm đã cho ra mắt sản phẩm thùng rác thông minh với cấu tạo gồm một cảm biến siêu âm được lắp đặt phía trên nắp thùng rác. Cảm biến này được thiết lập với khoảng cách 20cm sẽ có một hệ thống đèn led báo rác đầy. Đồng thời, chip ethernet shield sẽ gửi tín hiệu về hệ thống quản lý trên máy tính để người quản lý có thể thống kê được tình hình lượng rác tại các thùng chứa.

Hệ thống quản lý được nhóm phát triển bằng một module GPS có nhiệm vụ gửi tọa độ vị trí thùng rác lên web và hiển thị trên google maps. Khi thùng rác đầy trên bản đổ sẽ hiển thị màu đỏ, thùng rác nào chưa đầy sẽ hiển thị màu xanh. Toàn bộ hệ thống được điều khiển bởi board mạch Intel Arduino.

Nhớ lại những kỉ niệm trong quá trình làm sản phẩm, Trần Dương Minh Hải chia sẻ: "Có thời điểm em thật sự muốn bỏ cuộc vì bế tắc trong việc kết nối thiết bị được gắn tại thùng rác với máy tính. Vì đây là công việc được nhóm giao làm và phải hoàn thành nên áp lực đối với em là rất lớn".

Sau những cuộc họp, các thành viên trong nhóm mới "dò la" được vấn đề của Hải và bắt đầu các phương án hỗ trợ Hải hoàn thành phần việc.

"Từ câu chuyện đó, em mới rút ra được bài học xương máu là làm việc nhóm bao giờ cũng hiệu quả hơn là phải đi một mình" - Hải chia sẻ.

Những lần nhóm bế tắc, căng thẳng trong quá trình tìm ra phương pháp giải quyết, các thành viên ngồi lại với nhau, kể những câu chuyện vui, tổ chức những trò chơi để giảm căng thẳng. Sau đó tinh thần vui vẻ trở lại là các thành viên lại tiếp tục "chiến đấu" với đống linh kiện điện tử và máy tính.

Các thành viên trong nhóm tại cuộc thi lập trình Hackathon ở Bình Dương (03/2016)
Các thành viên trong nhóm tại cuộc thi lập trình Hackathon ở Bình Dương (03/2016) - (Ảnh: Nhóm cung cấp).

Sau khi sản phẩm hoàn thành, nhóm đã tính toán cách bố trí các thiết bị điện tử đặt trong thùng rác sao cho không bị ảnh hưởng bởi các điều kiện thời tiết. Nhóm đã thiết kế chống ẩm cho mạch và có linh kiện chống ẩm, bên trong mạch có tản nhiệt nên mạch sẽ không bị nóng quá mức khi nhiệt độ môi trường lên cao.

Theo nhóm, trong tương lai thùng rác thông minh sẽ được nhóm phát triển thêm một thiết bị phát wifi để người đi đường có thể sử dụng internet tại nơi công cộng, biến thùng rác thành thiết bị đa tác dụng, thân thiện với con người.

"Ngoài ra, trong tương lai, chúng em sẽ nghiên cứu phương pháp khuyến nghị cho người thu gom rác con đường đi đến thùng rác ngắn nhất để tiết kiệm thời gian và chi phí" - Nguyễn Cẩm Hồng Phước, thành viên nhóm cho biết.

Cập nhật: 19/05/2016 Theo khampha
  • 1.355