Thuốc an thần làm chấn thương chậm phục hồi

  •  
  • 282

Thông thường, đối với những thương binh hoặc các nạn nhân của động đất, các bác sĩ thường cho họ dùng thuốc ngủ để họ đỡ bị đau đớn. Một nghiên cứu gần đây đã chứng minh việc điều trị ấy lợi bất cập hại. Những thí nghiệm cho thấy ở những con chuột bị chấn thương, thuốc an thần đã chống lại cơ chế tự nhiên làm những vết thương chậm phục hồi.

Bộ Cựu chiến binh Mỹ cho biết sẽ dựa trên kết luận của nghiên cứu này để xem xét lại quy trình điều trị cho những thương bệnh binh bị rối loạn sau chấn thương do stress. Nếu thấy đúng như vậy, họ sẽ khuyến cáo các bác sĩ không dùng thuốc an thần cho các thương binh sau khi điều trị các vết thương và bãi bỏ các hướng dẫn trước đây về điều trị sau chấn thương.

Benzodiazepin không thể làm an lòng những người lính bị stress nặng do những sự khủng khiếp của chiến tranh. (Ảnh: Sipa Press/Rex Features)

Thực tế cũng cho thấy các thương bệnh binh sau điều trị thường có các triệu chứng như suy nhược, ám ảnh trong một vài năm sau đó, mà người ta cho rằng do não phải ngừng hoạt động...

Benzodiazepin, là một loại thuốc an thần phổ biến chứa diazepam (Valium), thường được dùng cho các bệnh nhân sau chấn thương vì có tác dụng làm giảm các lo lắng và hỗ trợ cho giấc ngủ. Một số nghiên cứu đã cho thấy chúng ngăn cản sự hồi phục trong thời gian dài.

Ví dụ một nghiên cứu tiến hành năm 2002 trên 20 người tình nguyện đã bị tai nạn giao thông và điều trị bằng benzodiazepin trong 7 đêm liền thì đều bị triệu chứng như đã nói trên, trong khi những người dùng giả dược (placebo) thì hoàn toàn không mắc triệu chứng này.

Để kiểm tra lại các kết luận trên, Joseph Zohar và các đồng nghiệp tại Trường ĐH Ben-Gurion University, Israel, đã làm thí nghiệm: thả chuột vào khoảng không gian hẹp, bị mèo quấy nhiễu liên tục để chúng bị stress và có các triệu chứng như bệnh nhân sau chấn thương và chia đôi số chuột này, một nửa điều trị bằng benzodiazepin alprazolam (nhóm 1), một nửa không (nhóm 2), để chúng được sống yên ổn như bình thường. 30 ngày sau, những triệu chứng suy nhược và sợ hãi của chuột ở nhóm 1 vẫn nặng nề. Chúng luôn luôn thu mình lại và run rẩy kể cả khi không có mèo, và khó tìm được đường trong mê lộ. Trong máu của chúng có hàm lượng corticosteron thấp hơn.

Việc tiết ra cortisol là một đáp ứng tự nhiên để chống lại stress (ở người) và hoạt hoá các thụ quan của não, duy trì trí nhớ. Zohar cho rằng alprazolam đã can thiệp vào khả năng phục hồi trí nhớ của chuột, làm xuất hiện các triệu chứng vừa kể. Ông giải thích, đó cũng là những hiện tượng xảy ra ở người bị chấn thương mà điều trị bằng benzodiazepin.

Areih Shalev, Trường ĐH Hadassah, Israel, cũng nghiên cứu ảnh hưởng của benzodiazepin tới sự phục hồi sau chấn thương và cho rằng chất an thần can thiệp vào khả năng học tập của bộ não.

Tuy nhiên David Nutt, Trường ĐH Hoàng gia London lại phản bác kết luận của Zohar, vì cho rằng rất có thể điều Zohar rút ra chưa chắc đã đúng với người.

Vấn đề chắc còn gây tranh cãi.

Tuấn Hà - Vietnamnet (Theo Newscientist)
  • 282