Thuốc diệt cỏ làm biến đổi giới tính của ếch đực

  •   1,52
  • 1.937

Những loài thuốc sâu thông thường, như thuốc diệt cỏ atrazin có thể khiến thay đổi giới tính của những con ếch đực thành những con ếch cái có thể sinh sản một cách bình thường, theo một nghiên cứu mới đây.

Trước đây, một khảo sát của các nhà khoa học Mỹ cho thấy, rất nhiều ếch hoa đực ở nước này đã mất khả năng sinh sản bình thường. Lý do là loại thuốc diệt cỏ atrazin ngấm trong nguồn nước đã làm thay đổi hocmôn sinh dục của chúng (Một số con ếch được tìm thấy có cả cơ quan sinh dục đực và cơ quan sinh dục cái).

Nhưng với nghiên cứu sâu hơn mới đây, Tiến sĩ Tyrone B. Hayes, Trường ĐH California (Mỹ), tác giả của nghiên cứu và các cộng sự đã chỉ ra rằng thuốc diệt cỏ atrazin, thường dùng cho các cánh đồng ngô, có thể làm ảnh hưởng số lượng của loài các loài động vật lưỡng cư như ếch, nhái.

Họ đã đưa 40 nòng nọc ếch đực châu Phi sống trong nước có chứa thuốc diệt cỏ atrazin cho tới khí chúng trưởng thành. Nồng độ atrazin được sử dụng trong thí nghiệm tương tự như ở ngoài môi trường tự nhiên. Bên cạnh đó, các nhà khoa cũng nuôi 40 con ếch đực khác trong môi trường nước không có chất atrazie làm đối chứng.

Kết quả cho thấy rằng tất cả những nòng nọc ếch đực được nuôi trong môi trường nước không có atrazin vẫn phát triển bình thường, trong khi đó 10% nòng nọc ếch đực nuôi trong môi trường nước nhiễm atrazin phát triển thành ếch cái khi trưởng thành. Những con ếch cái này có thể giao phối và đẻ trứng một cách bình thường.

Nguyên nhân được các nhà khoa học giải thích rằng chất atrazin trong thuốc diệt cỏ làm giảm lượng hocmôn testosteron, ảnh hưởng tới khả năng sinh sản và có thể gây ra thay đổi giới tính ở ếch đực.

Những kết quả nghiên cứu này đã đặt ra một câu hỏi atrazin ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe con người khi chúng ta cũng có bộ nhiễm sắc thể tương tự loài ếch.

"Khả năng sinh sản bị suy giảm do nhiễm atrazin có thể ảnh hưởng tới số lượng của một số loài lưỡng cư như ếch và các loài cá. Nhưng chúng ta cũng cần nghiên cứu những ảnh hưởng đối với con người khi uống, tắm trong những nguồn nước như vậy”, Tiến sĩ Hayes cảnh báo.

Theo VietNamNet (LiveScience)
  • 1,52
  • 1.937