Nghiên cứu do trường Đại học Alberta thực hiện vừa khẳng định dạng vô cơ tương đối vô hại của thủy ngân được tìm thấy trong các đại dương trên toàn thế giới bị chuyển thành loại chất độc mạnh nhất trong chính nước biển.
Sau hai năm kiểm tra các mẫu nước trên Bắc Băng Dương, nhóm các nhà nghiên cứu trên đã phát hiện thủy ngân vô cơ tương đối không có hại, thải ra từ các hoạt động của con người như ngành công nghiệp và khí đốt, trải qua một quá trình được gọi là methyl hóa và trở thành thủy ngân monomethyl gây chết người.
Hải sản là nguồn gây phơi nhiễm thủy ngân monomethyl lớn nhất đối với con người. (Nguồn: Internet).
Không giống như thủy ngân vô cơ, thủy ngân monomethyl là chất tích lũy sinh học, nghĩa là hiệu ứng độc hại của nó được lan rộng khi nó phát triển thông qua chuỗi thức ăn từ các loài sinh vật nhỏ trong biển đến con người. Việc phơi nhiễm thủy ngân monomethyl lớn nhất ở người là thông qua hải sản.
Các nhà nghiên cứu cho rằng quá trình methyl hóa xảy ra trong lòng các đại dương trên toàn thế giới và sự thay đổi này là do các dạng vi khuẩn sống trong đại dương.
Trưởng nhóm tác giả nghiên cứu trên, thạc sĩ Igor Lehnherr đã thu lượm các mẫu nước biển từ quần đảo thuộc khu vực Bắc Băng Dương của Canada. Ông Lehnherr cho biết số lượng thủy ngân vô cơ biến đổi tành thủy ngân monomethyl chiếm gần 50% lượng chất độc neurotoxin hiện có ở vùng biển các cực và có thể chiếm một lượng đáng kể số thủy ngân được tìm thấy ở khu vực Bắc Băng Dương.
Nhóm các nhà nghiên cứu trên khẳng định đây là bằng chứng trực tiếp đầu tiên cho thấy thủy ngân vô cơ bị methyl hóa trong nước biển.