Thuyền thúng phao chống bão

  •  
  • 303

Cũng là thuyền thúng truyền thống của ngư dân nhưng được lắp thêm phao giúp thuyền trở thành phương tiện cứu sinh khi gặp bão ngoài khơi. Đây là ý tưởng của kỹ sư Nguyễn Xuân An, Chủ tịch Hội đá quý VN.

Mô hình thuyền thúng phao

Thuyền thúng phao có hình dạng như chiếc thuyền thúng bình thường, có thêm một lớp phao hình vành khuyên bao quanh thành thuyền. Vật liệu làm phao là chất styro foam (bọt xốp), vẫn được dùng làm vật cách nhiệt, cách âm.

Chìa khóa công nghệ chính là chiếc van nằm ở đáy. Thuyền thúng phao hoạt động như thuyền bình thường khi van đóng. Khi thuyền chìm, người bị nạn phải tìm cách mở van phao. Khi đó, lực đẩy của nước tác động lên phao làm cho nước trong lòng thuyền thoát qua van ra ngoài và thuyền sẽ nổi để trở thành phao cứu sinh. Nạn nhân khóa van phao, tát nước ra khỏi lòng thuyền để tiếp tục công việc hoặc chờ cứu hộ.

Theo tính toán của kỹ sư An, với thuyền thúng phao đường kính ngoài 2 mét, sức chở tối đa của phao là nửa tấn, nghĩa là phải có một trọng khối như vậy làm lực nén mới làm cho phao ngập ngang bằng với mặt nước. Nhưng để đảm bảo cho phao có độ nổi cao hơn mặt nước từ 20 đến 30 cm, thuyền chỉ nên chở tối đa 4-5 người.

Thuyền thúng phao có dây an toàn nhằm chống chịu va đập của gió bão. Một đầu dây dính chặt vào thuyền, một đầu có móc khóa vào đai thắt lưng, giúp người trên thuyền luôn giữ được mối liên hệ với thuyền. Bên ngoài thành thuyền còn có một quai phao làm chỗ vịn cho người bị nạn.

Ông An cho biết đã làm một mô hình thuyền thúng phao kích thước bằng 1/4 thuyền thật và thử nghiệm thành công ở hồ cá. Theo ông, có thể dùng tre, nứa, song, mây để làm vật liệu bao bọc phao và cố định phao vào thân thuyền. Giá thành thuyền thúng phao cao hơn thuyền thúng bình thường khoảng 20-50%, diện tích sử dụng cũng bị giảm bớt vì phải dành chỗ cho phao.

Theo kỹ sư Nguyễn Vũ Hà, chuyên viên Trung tâm đăng kiểm, Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Bộ Thủy sản, thuyền thúng phao của ông An là một ý tưởng tốt, nhưng để áp dụng, cần có thực nghiệm nhằm đánh giá hết khả năng sử dụng.

Ông Vũ Hà cho rằng, dùng ngay thuyền thúng truyền thống làm phao cứu sinh là chưa khả thi, vì vật liệu làm thuyền là tre nứa, bám vào dễ bị xây xát. Trong khi đó, tiêu chuẩn quy định cho các loại phao là bề mặt phải nhẵn. Muốn làm thuyền phao theo ý tưởng này, phải chế tạo thuyền thúng bằng vật liệu nhẹ hơn, có tính nổi tốt hơn và bề mặt nhẵn hơn.

Kỹ sư Hà cho biết sẽ báo cáo giải pháp này nên lãnh đạo Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản để cùng trao đổi sâu hơn.

Theo Khoa học & Đời sống
  • 303