Nọc độc của loài sứa Acromitus flagellatus được phát hiện là có khả năng làm chậm hay thậm chí đảo ngược tiến trình phát triển của tế bào ung thư phổi và gan ở người mà không gây tổn hại nghiêm trọng cho các mô xung quanh.
Khi sứa đốt một con cá (hoặc cả người), những hoạt chất sinh học trong nọc sẽ tấn công, phá hủy cấu trúc tế bào, ức chế hoạt động của enzyme, làm gián đoạn chất dẫn truyền thần kinh,… khiến đối tượng tê liệt hoặc tử vong. Tuy nhiên, đây cũng lại là một cơ chế tiềm năng đối với việc nghiên cứu và phát triển các loại thuốc mới chữa bệnh hiểm nghèo.
Sứa A. flagellatus. (Ảnh: Tihomir Makovec).
Một nhóm nghiên cứu tại Đại học Madras (Ấn Độ) đã bắt những cá thể sứa A. flagellatus – sinh trưởng trong môi trường nước lợ, chiết xuất nọc độc [sống] từ xúc tu của chúng và tiến hành phân tích sinh hóa. Sau đó, họ thiết kế các bài test để kiểm chứng phản ứng của nọc (với nồng độ thay đổi) với các dòng tế bào ung thư khác nhau – tế bào ung thư thận ở khỉ xanh (Chlorocebus sabaeus), tế bào ung thư gan (HepG2) và ung thư phổi (A549) ở người.
Kết quả cho thấy: mặc dù nọc có tác động rất hạn chế với tế bào ung thư thận ở khỉ xanh, nhưng các tế bào HepG2 và A549 ở người đã thu nhỏ lại đáng kể chỉ sau 48 giờ. Bên cạnh đó, hoạt chất trong nọc sứa còn có tác dụng ngăn ngừa tế bào ung thư tăng sinh (tự nhân lên).
Ung thư gan và phổi là 02 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới. Mặc dù đã rất nỗ lực nhưng y học vẫn chưa cải thiện được nhiều tiên lượng của bệnh. Tỷ lệ sống sót của bệnh nhân mắc ung thư phổi chỉ là khoảng 16% – con số tương tự với ung thư gan (ung thư biểu mô tế bào gan, HCC,...). Vì thế, kết quả nghiên cứu này – được công bố trên tạp chí Saudi Journal of Biological Sciences – sẽ mở ra một hướng đi tiềm năng trong việc điều trị hai loại ung thư trên.