Tiêm vào khớp là thủ thuật mang lại nhiều hiệu quả nhưng việc lạm dụng sẽ gây ra nhiều tai biến đáng tiếc.
Tiêm vào khớp |
Thuốc tiêm vào khớp
Thuốc thường dùng tiêm vào khớp là corticoid, hyaluronate sodium (hyasyn).
Corticoid: Thường dùng là loại dịch treo, với các biệt dược như prednisolone, methylprednisolone, triamcinolone.
Những nghiên cứu lâm sàng về tiêm corticoid vào khớp gối cho thấy: Nếu dùng liều duy nhất 20mg triamcinolone (tương đương với 25mg prednisolone) thì hiệu quả giảm đau kéo dài được từ 1-4 tuần. Nếu dùng liều 40mg triamcinolone thì hiệu quả giảm đau kéo dài được 16-24 tuần (Raynauld J, 2003). Liều 40mg triamcinolone cũng là liều khuyến cáo của Hội Thấp khớp học Hoa Kỳ. Thường tiêm lập lại liều này 3 tháng 1 lần, kéo dài trong 2 năm. Trong trường hợp có tràn dịch khớp gây viêm bao hoạt dịch, lúc này corticoid đóng vai trò như một chất làm giảm viêm nên việc chọn lọc hút dịch song song với việc tiêm corticoid vào khớp làm cho việc đáp ứng thuốc tốt hơn.
Riêng việc tiêm corticoid vào gân để chữa các tổn thương màng hoạt dịch gân, mô quanh gân, nơi bám tận gân và chính tại gân tuy được áp dụng nhưng đến nay chưa có cơ sở lý luận vững chắc cũng như chưa có chứng cứ lâm sàng thuyết phục chứng minh hiệu quả nhưng lại gặp nhiều tai biến. Trừ việc tiêm vào ngón trỏ biểu hiện thoái hóa gân và viêm có một số cải thiện (Lambert, 1992) còn hầu hết các thực nghiệm tiêm vào gân trong trường hợp viêm chu vai (rotator cuff tendinopathy) viêm lồi cầu ngoài (khuỷu tennis) và viêm gân gót (achiles) đều không đem lại hiệu quả tốt hơn so với nhóm chứng.
Hyaluronate sodium (hyasyn)
Hyaluronate là chất tự nhiên trong cơ thể người, có nồng độ cao trong mô khớp và dịch khớp với vai trò bôi trơn, giảm xóc, bảo vệ khớp. Sự giảm hyaluronate trong dịch khớp, sự mất sụn khớp là điểm chủ yếu trong thoái hóa khớp. Thuốc có tác dụng:
Thuốc tiêm Legend (hyaluronate sodium) - Ảnh: bullwrinklerx |
Nghiên cứu lâm sàng cho thấy: Với người bệnh trên 40 tuổi, đau khớp gối có gai xương, giảm dịch khớp cơ năng hoặc cứng khớp sau 5 tuần điều trị dùng thuốc kháng viêm không steroid và paracetamol kết hợp với hyaluronate sodium (với liều mỗi tuần 25mg x 5 tuần) có tới 93% người bệnh hết đau, nếu dùng thuốc kháng viêm không steroid và paracetamol mà không kết hợp với hyaluronate sodium thì chỉ có 10% người bệnh có tác dụng hiệu quả tương tự (Thái Thị Hồng Anh, 2005).
Ngoài việc có thể gây sưng đỏ tại chỗ, việc tiêm corticoid, hyaluronate sodium vào khớp không có tác dụng phụ nào đáng kể. Trước đây có lo ngại việc tiêm corticoid vào khớp có thể thúc đẩy quá trình phá hủy khớp và teo cơ, nay nhiều nghiên cứu cho rằng quá trình tiến triển này không phải do sự thúc đẩy của corticoid tiêm vào khớp mà do bản chất vốn có của bệnh.
Trong khi chưa có một thuốc nào chữa khỏi (ngoại trừ việc thay khớp tốn kém) thì việc tiêm corticoid, hyaluronate sodium vào khớp đáp ứng mong mỏi của người bệnh: Cải thiện được các triệu chứng và an toàn có chi phí thấp.
Những tai biến do lạm dụng thủ thuật tiêm vào khớp
Thực hiện thủ thuật tiêm vào khớp tại nhà hay tại tuyến y tế cơ sở chưa có đủ điều kiện thường có các sai sót.
Về chỉ định: Thầy thuốc chuyên khoa xương khớp chỉ cho dùng thủ thuật tiêm vào khớp khi dùng thuốc kháng viêm không steroid không có hiệu quả (bệnh ở mức nặng) và không cho dùng trong trường hợp viêm khớp nhiễm khuẩn hoặc nhiễm khuẩn tại vùng da tiêm khớp. Do người bệnh thích dùng thủ thuật tiêm vào khớp (vì thấy người khác dùng có kết quả nhanh) và do người làm dịch vụ y tế tại nhà hoặc tại tuyến y tế cơ sở chưa đủ trình độ nên đã chỉ định cho mọi trường hợp viêm khớp kể cả trường hợp nhẹ là không cần thiết và chỉ định cho cả trường hợp viêm khớp nhiễm khuẩn.
Một số người còn dùng một hoặc nhiều thứ thuốc khác như vitamin B12, kháng sinh, các kháng viêm không steroid hoặc trộn lẫn chúng với dịch treo corticoid tiêm vào khớp. Việc dùng các thuốc trên là không đúng chỉ định, việc trộn lẫn thuốc với nhau hoặc trộn với dịch treo corticoid làm phá hỏng dạng bào chế. Điều này sẽ gây ra hậu quả xấu: gây phản ứng viêm mạnh ở màng hoạt dịch, làm tổn hại đến các tổ chức hoạt dịch, sụn khớp, làm khớp bị sưng to đau, dẫn đến dính khớp, mất chức năng hoạt động khớp.
Về cách tiêm: Do không nắm được vị trí giải phẫu, thiếu thành thạo khi thao tác nên không tiêm đúng vào vị trí, thuốc không đi tới nơi cần, hiệu quả sẽ kém. Nguy hiểm hơn, nếu tiêm chệch vào cơ, xương, mạch máu, dây thần kinh quanh khớp sẽ gây ra hậu quả rất xấu như teo cơ, xốp xương, làm mất chức năng vận động khớp. Ngoài ra, do tiêm nhiều lần vào một vị trí và tiêm quá nông sẽ làm teo da, mất sắc tố da tại chỗ. Hiếm gặp hơn, có khi người bệnh quá sợ hãi, do tiêm quá nhanh hay tiêm chệch vào mạch máu người bệnh có thể bị choáng váng, vã mồ hôi, tức ngực, khó thở.
Về cơ sở trang bị: Tại nhà hoặc tại một số tuyến y tế cơ sở thường chưa có phòng tiêm và trang bị đảm bảo vô khuẩn toàn thân, dẫn đến hủy hoại xương khớp, dính khớp, nhiễm trùng huyết rất nghiêm trọng có thể làm tàn phế hay tử vong nếu không phát hiện sớm và xử lý bằng kháng sinh đặc hiệu, liều cao.
Muốn thực hiện thủ thuật tiêm vào khớp phải có thầy thuốc chuyên khoa khớp chỉ định, có kiến thức giải phẫu, tay nghề khá để tiêm đúng vào vị trí cần; phải có nơi, trang bị đảm bảo vô khuẩn. Người bệnh không nên dễ dãi chấp nhận thủ thuật này tại nhà, tại các tuyến y tế cơ sở không có đủ các điều kiện trên vì rất dễ dẫn đến tai biến nguy hiểm.
DS. BÙI VĂN UY